Showing posts with label NGHIÊN CỨU KHOA HỌC. Show all posts
Showing posts with label NGHIÊN CỨU KHOA HỌC. Show all posts

Saturday, February 27, 2016

CÁCH VIẾT MỘT PERSONAL STATEMENT

GS NGUYỄN VĂN TUẤN
VIỆN GARVAN ÚC
Hôm kia, khi bàn về cái cover letter, có bạn hỏi tôi làm thế nào để viết một Personal Statement (PS), và câu hỏi đó làm tôi có hứng chia sẻ với các bạn cái note này. Đối với các bạn ở trong nước xin học bổng đi học ở nước ngoài, đặc biệt là Mĩ, cái Personal Statement là một trong những phần trong hồ sơ. Nhưng cái khó khăn là viết làm sao để thuyết phục người đọc (tức là người duyệt hồ sơ) để nâng cao cơ may xin được học bổng. Tôi biết nhiều em nghiên cứu sinh và sinh viên rất "đau đầu" với cái văn bản này, nên tôi muốn chia sẻ một vài kinh nghiệm để các bạn có thể tham khảo.
Nguyên tắc
Tôi sẽ bàn những nguyên tắc và nội dung của một bản PS. Dĩ nhiên, đây chỉ là cái nhìn cá nhân tôi, có thể nó không phù hợp với một số bạn, nhưng tôi nghĩ về nguyên tắc thì ở đâu cũng thế. Tôi có thể nói rằng có 5 nguyên tắc viết một bản PS cho hoàn thiện: cá nhân, dùng thì chủ động, tích cực, nhân văn, và viễn kiến.
(a) Đó là một văn bản mang tính cá nhân. Khi tôi nói "cá nhân", tôi muốn nói đó là một "tự sự" về cuộc đời và ý nguyện của mình. Do đó, PS trong thực tế là một bài luận văn tự sự. Mà, tự sự thì có những chi tiết, những tình tiết đáng nhớ trong đời, những trải nghiệm làm thay đổi nhận thức và việc chọn nghề của mình. Có khi một lần mắc bệnh hay một tai nạn cũng có thể viết ra một cách ngắn gọn. Điều này cũng có nghĩa là cần phải tránh những thông tin chung chung, những thông tin mơ hồ (vốn đầy rẫy trên mạng qua các dịch vụ viết mướn).
(b) Dùng "tôi" thoải mái. Vì là văn bản cá nhân, nên các bạn có thể dùng đại danh từ "tôi" (hay "I", "me" trong tiếng Anh) để viết, mà không sợ người ta nói mình "phách". Có lần tôi viết đơn xin fellowship, và vì quen với văn hoá Việt Nam, nên hay dùng "we" (chúng tôi), sếp tôi đọc và thay bằng "I" hết! Ông giải thích chí lí rằng người ta cấp fellowship cho cá nhân anh, chứ không cho cái "chúng tôi" mơ hồ nào đó.
(c) Văn phong tích cực. Ở đời, người ta thích những người có thái độ tích cực, chứ chẳng ai ưa những kẻ than trách thân phận theo chiều hướng tiêu cực. Do đó, bằng mọi giá, các bạn phải chọn chữ và câu văn tích cực. Phải viết sao cho người đọc thấy các bạn là người ham học, muốn biết thêm tri thức và học thêm kĩ năng. Có cái mình chưa biết, thì mình nói là sẽ biết vì sẽ học tiếp.
(d) Tính nhân văn. Một cá nhân "tròn" là người chẳng những học giỏi mà còn có lòng từ tâm. Từ tâm thể hiện qua đối xử với cộng đồng và những người chung quanh. Do đó, văn bản PS phải làm sao toát lên được cái tính tử tế (nói theo Trịnh Công Sơn) của cá nhân, qua những việc làm ngoài khoa bảng. Nên nhớ là "nhân văn" chứ không phải cảm tính nhé.
(e) Viễn kiến. Có thể nói rằng cái PS là một phát biểu về viễn kiến (tiếng Anh là vision) của các bạn. Bất cứ một tổ chức nào, dù lớn hay nhỏ, đều phải có cái viễn kiến, tầm nhìn của tổ chức đó. Tương tự, mỗi một cá nhân -- dù là học sinh, sinh viên, hay nhà khoa học đã thành danh -- cần phải có cái viễn kiến. Nhưng ở Việt Nam thì học sinh và sinh viên ta rất kém về viễn kiến, vì họ không được khuyến khích trong học đường. Tuy nhiên, các bạn cần phải suy nghĩ về những gì mình làm trong tương lai, sẽ đóng góp gì cho xã hội, và những cái đó phải phát biểu thành 2-3 câu văn ngắn gọn. Tôi đã từng đọc một vision của một em sinh viên Pháp gốc Việt là em sẽ tìm thuật điều trị các nạn nhân chất độc da cam. Cố nhiên, cái viễn kiến đó rất tham vọng và khó thực hiện, nhưng người đọc thấy được cái tính sôi nổi và tầm nhìn xa của em ấy.
Nội dung
Đó là 5 nguyên tắc viết một bản PS. Bây giờ tôi sẽ nói về nội dung của một bản PS. Theo kinh nghiệm cá nhân tôi, một PS cần phải có 5 nội dung liên quan đến lí do theo học chuyên ngành, lí do chọn trường hay thầy cô, khả năng làm việc theo nhóm, hoạt động ngoại khoá, và tương lai. Tôi giải thích cụ thể hơn như sau:
1. Giải thích tại sao bạn muốn theo học môn học ban đang xin
Đây là một đoạn văn khá quan trọng, vì qua đó người ta có thể đánh giá bạn thật sự yêu môn học và có một hướng đi đã định trước. Giải thích tại sao chuyên ngành này hợp với kĩ năng và cá tính của bạn. Nó còn cho thấy những lí do cá nhân mà bạn theo học, và như nói trên, đây là thông tin giúp cho người đọc hiểu về hơn về động cơ bạn muốn theo học chuyên ngành đã chọn.
2. Giải thích tại sao bạn chọn trường hay thầy cô cụ thể
Ở những nước tiên tiến như Mĩ, mỗi một chuyên ngành học có khá nhiều trường đại học đào tạo. Nhưng cũng như bất cứ lĩnh vực nào, các chương trình đào tạo có thể rất khác biệt với nhau về danh tiếng học thuật, và chất lượng đào tạo. Cách tốt nhất là các bạn cần phải tìm hiểu bảng xếp hạng của trường về chuyên ngành mình theo học, và nói rằng vì trường nổi tiếng về lĩnh vực này (để họ ... thích!) nên bạn muốn theo học. Có thể tham khảo bảng xếp hạng QS hay một bảng xếp hạng tương tự.
Trong trường hợp nghiên cứu sinh cấp tiến sĩ, thì thường gắn liền với một người thầy/cô. Do đó, cái PS có khi phải giải thích tại sao bạn chọn thầy cô đó. Điều này có nghĩa là các bạn phải tìm hiểu về người thầy cô tương lai để viết. Những thông tin về thầy cô tương lai (thường có trên mạng qua các công bố quốc tế) là công trình họ đã công bố, cơ sở vật chất của lab, số công trình và citations, uy tín trên trường quốc tế, uy tín trong đào tạo hậu tiến sĩ, v.v. Những thông tin này giúp cho các bạn viết về người thầy cô tương lai, và giúp cho người đọc biết rằng bạn đã biết rõ mình chọn ai.
3. Viết về khả năng làm việc theo nhóm
Ở các nước phương Tây, làm việc theo nhóm (teamwork) là một điều hết sức quan trọng. Làm việc theo nhóm đòi hỏi người tham gia phải biết "give and take" (cho và nhận), biết dung hoà giữa những bất đồng, biết quản lí những tranh chấp. Những kĩ năng này tuy nói là "mềm" nhưng trong thực tế lại là kĩ năng "cứng", đối với sinh viên Việt Nam. Lí do là nhiều sinh viên Việt Nam hay hành xử theo tư duy cha ông để lại, kiểu như "Trời đã sinh Du, sao còn sinh Lượng", rất có hại cho tinh thần làm việc theo nhóm. Do đó, các bạn cần phải viết một đoạn văn chứng minh rằng trong quá khứ các bạn đã từng học hay làm việc theo nhóm. Nếu đã từng tham gia vào một nghiên cứu và từng đứng tên tác giả chung với người khác, thì đó là một minh chứng rất tốt.
4. Viết về những hoạt động ngoại khoá
Các đại học phương Tây rất quan tâm đến những hoạt động ngoài học thuật, vì họ muốn có một sinh viên hay nghiên cứu sinh "tròn trịa". Một người tròn trịa không chỉ học giỏi mà còn có đóng góp cho cộng đồng và địa phương. Do đó, trong phần này, các bạn phải viết về những hoạt động từ thiện, những hoạt động giúp người nghèo, những hoạt động thiện nguyện trong các hội đoàn tôn giáo, hội đoàn cộng đồng, v.v. Tất cả những việc làm như đứng đường xin tiền cho hội, dạy võ, dạy múa, khám bệnh miễn phí, v.v. đều có thể ghi vào cái PS. Cần lưu ý là một số bạn là đoàn viên đoàn cộng sản, thì tốt hơn hết là không nên viết ra cái tên đoàn đó ra (vì người phương Tây rất ngại chữ "communist" hay "communism").
5. Viết về tương lai
Nhà trường muốn đầu tư cho những cá nhân mà họ thấy có tiềm năng trong tương lai. Do đó, các bạn cần phải viết một đoạn văn về tương lai, sau khi bạn tốt nghiệp, thì bạn sẽ làm gì để chuyển giao kiến thức và kĩ năng. Nên nhớ là bạn cần phải có một cái big picture như tôi đề cập ngày hôm qua, nên đoạn văn này cần phải đặt kĩ năng của mình trong cái bức tranh lớn của đất nước. Ví dụ như Việt Nam đang hội nhập quốc tế, và bạn đang học ngành kế toán, bạn có thể viết rằng những gì bạn học được sẽ đem ra ứng dụng và giúp cho Việt Nam nhanh chóng hội nhập với thế giới bên ngoài.
Đối với các bạn xin học bổng của chính phủ nước ngoài, cần phải có một đoạn văn ngắn về đóng góp của bạn sau khi tốt nghiệp về mối bang giao giữa hai nước. Chẳng hạn như bạn có thể viết rằng trong tương lai, bạn sẽ là cầu nối để nâng cao mối bang giao của hai nước lên một tầm mới hơn. Bang giao ở đây không chỉ là chính trị, mà còn là khoa học và giáo dục. Do đó, bạn có thể viết rằng trong tương lai bạn có dự tính thiết lập những chương trình học hay dự án nghiên cứu để nâng cao sự hợp tác giữa các nhà khoa học nước sở tại và Việt Nam. Đoạn văn này tuy ngắn, nhưng ý nghĩa của nó khá quan trọng, vì nó giúp cho người đọc biết rằng bạn có một tầm nhìn xa.
Hi vọng rằng những chia sẻ trên đây có thể giúp ích cho các bạn trong việc soạn một cái Personal Statement. Sẵn đây, tôi chia sẻ với các bạn một bản PS viết bằng tiếng Anh. Mỗi lần về nước là tôi có dịp gặp nhiều bạn bè và các em sinh viên xin trợ giúp. Một trong những việc họ cần giúp là biên tập tiếng Anh hay chỉ cho họ cách viết cái PS để đi học ở nước ngoài. Có khi tôi làm phỏng vấn thử cho họ nữa. Và, tôi rất hân hạnh để báo hầu hết các em ấy đều có học bổng và đi học ở nước ngoài (chỉ có 1 trường hợp duy nhất thất bại, vì lí do cá nhân).
=====
Dưới đây là một PS mà tôi giúp cho một em bác sĩ ở tỉnh nhà, nhưng để bảo mật, tôi xoá bỏ các thông tin liên quan đến ngành nghề và dĩ nhiên là tên họ. Tôi hướng dẫn em này cách viết, rồi sau đó tôi biên tập văn bản của em ấy viết. Trong khi biên tập, tôi cố tình giữ những câu chữ chưa được lưu loát mấy, vì tôi nghĩ điều đó phản ảnh đúng văn phong và trình độ thực của một người dùng tiếng Anh không phải là bản ngữ.
Personal Statement of Dr. XYZ
[Vào đầu nói ngay tại sao theo học ngành y]. My interests in medicine and public health have root in my own personal experience as a patient and as a resident of an economically disadvantageous province. I was born with xxxx, a debilitating condition that could have been prevented by simple public health measure with vaccines. I was therefore determined to undertake medical study and public health, so that I could help my countrymen who are at risk of having preventable diseases. I have completed my medical training, but until this scholarship I have not had an opportunity to study public health. I am determined to take this opportunity to become an expert in clinical public health.
[Lí do chọn trường] I would like to pursue my study at the University of XXX, because the University is ranked among the world's top 10 institutions in public health medicine and clinical epidemiology. I have perused the programs and courses that are offered by the University, and think that the program, particularly XXX, is precisely what I am looking for. I would like to undertake the study under the supervision of Prof. ABC whose work has been influential in the field of XXX. I consider that I can be of assistance to him in this field. With his guidance, academic knowledge, especially the insightful understanding of the diversity in Asia context, I do believe that Prof. ABC will help me successfully complete the research.
[Vì học bổng này cấp cho những người từ vùng nghèo khó, nên phải có một đoạn "ca" về những khó khăn của miền Tây]. My home town is [...], a province in the Mekong Delta region of Vietnam. The region as a whole, and particularly my province, are considered economically “disadvantage” because of low average income, poor infrastructure for education and health care. Although with a population of 2 million, there is no university in the province. Prospective students have to enrol in neighboring provinces or cities to undertake university studies. Only 10% of students in my province enter university or college. In healthcare, the province has only one major hospital with ~1200 beds, but the hospital is consistently overloaded and overcrowded. Having seen the hospital struggling to cope with the continual influx of patients, I am determined to do something for the hometown, and I think that the solution is a good system of public health services for the province.
[Viết về những nỗ lực vượt qua số phận trong quá khứ, với chi tiết cụ thể, và giúp cho việc theo học tốt hơn -- có tiềm năng]. I do believe that the public health courses that are offered by various universities will help equip me with modern knowledge in public health strategies, evidence based public health policies; and skills in epidemiology and biostatistics. These knowledge and skills are new to me, and I believe that I will successfully complete the course. In the past, I overcame my own disability and financial hardship to complete my medical study. For example, I was determined to study English first so that I could keep up to date with medical information from international journals and books. During my first university year, I was rated as an average student, but one year later, I became an outstanding student. After completing my undergraduate study, I had enrolled in a competitive program of dermatology, which subsequently I completed and became a specialist in xxx.
[Viết về cái "nhân văn" và đóng góp cho cộng đồng]. As a physician, I have the privilege of witnessing the struggle of life and death of my patients and countrymen. That real life experience left me with a deep sense of human fragility. Being from an economically disadvantageous province, I know well the horrors of poverty, and often performed services for local charities. Since 2004, I have participated in providing free medical services, including medical checkup and xxx treatment, to many people in my local community. I have carried out medical examination and treated 631 xxx patients of all ages. I also helped educate them to take care of themselves, and prevent from disability caused by XXX.
[Một chút về tầm nhìn] My interaction with these patients gives me an opportunity to appreciate the significance and importance of public health. As my life is beginning to stabilize, and I decide that the time has come to think about the dream of a large picture of health care. I very well realize that in clinical practice I can help a limited number of patients, but in public health I can help millions of people. A simple and appropriate public health preventive program can bring benefits to millions of people and can help reduce the burden of diseases for the community.

[Viết về tương lai sau khi tốt nghiệp, đóng góp cho chuyên ngành] My life experience and disability have moulded me in to a hardworking and humane person. My future goals include establishing a career in research and educating people about XXX. I strongly believe that in Vietnam, as well as in my own province, the most important issue is how to improve the public health system, not to purchase more sophisticated medical equipments, because only with a good public health system, the burden of chronic and infectious diseases can be reduced, and I can contribute to reduce the overloaded hospital. Universities in developed countries have many world renowned experts and have accumulated years of experience in public health, and I would like to be one of the people learning in that system to realize my lifetime objective of becoming an expert in public health medicine.

Saturday, February 13, 2016

TRANG WEB TẢI BÀI BÁO Y KHOA MIỄN PHÍ LỚN NHẤT - THẬT KHÓ TIN

GS Nguyễn Văn Tuấn

 http://sci-hub.cc/

Trước đây, tôi có lần nói rằng cái mô hình công bố khoa học hiện hành thật là bất công, vì nó chỉ làm lời cho nhà xuất bản, còn giới khoa học thì bị thiệt thòi. Hôm nay, đọc trên Science thấy có 1 nghiên cứu sinh (?) ở Kazashstan có cách bẻ gãy sự thống trị của các nhà xuất bản khoa học (1). Có thể nói đây là một tin mừng cho những nhà khoa học từ VN và các nước nghèo.

Mô hình xuất bản khoa học hiện nay cực kì vô lí. Nhà khoa học xin tài trợ từ các nguồn, chủ yếu là Nhà nước (thực chất là từ tiền thế của dân); họ làm nghiên cứu, viết báo cáo; nộp cho tập san do nhà xuất bản quản lí; nếu may mắn được công bố, nhà khoa học phải trả tiền cho nhà xuất bản, giá tiêu biểu từ $500 đến $1000 một bài. Hai điều đáng nói trong cái qui trình này là: 

• Nhà xuất bản giữ bản quyền bài báo. Điều này có nghĩa là khi nhà khoa học muốn in lại hay dùng một hình ảnh, biểu đồ nào đó trong bài báo của mình, nhà khoa học phải xin phép nhà xuất bản; 

• Nhà xuất bản không có chi một đồng nào trong quá trình bình duyệt và quyết định chấp nhận bài báo; tất cả cái khâu này là do các nhà khoa học làm cho họ và hoàn toàn không nhận tiền; 

Do đó, không ngạc nhiên khi các nhà xuất bản làm ăn rất khá, và siêu lợi nhuận. Chẳng hạn nhà xuất bản Elsevier (lớn nhất hiện nay) quản lí khoảng 2000 tập san khoa học, và các tập san này xuất bản khoảng 250,000 bài báo mỗi năm. Theo thống kê 2011, thu nhập của Elsevier là 2.7 tỉ USD, và tiền lời là 1 tỉ USD, tức 45% thu nhập. Mức lời 45% làm cho mọi người kinh ngạc, vì mức lời đó còn cao hơn các tập đoàn lớn như IBM và Microsoft! Thật ra, chẳng có gì ngạc nhiên, vì các nhà xuất bản là những kẻ "ngồi mát ăn bát vàng", do họ chẳng cần đầu tư nhiều (nhất là với internet), chẳng tốn tiền trả lương cho ban biên tập, ấy thế mà có khối người xếp hàng xin được công bố bài báo! 



Vấn đề còn vô lí hơn khi các nhà xuất bản liên tiếp nâng giá niên liểm cho các đại học. Một số đại học lừng danh và giàu có cho đến nay tuyên bố rằng họ không đủ tiền trả hàng triệu, thậm chí chục triệu USD, cho việc truy cập các bài báo khoa học (do chính giáo sư của họ làm ra). Còn các nhà khoa học từ các nước nghèo hoặc đang phát triển thì vô phương, vì đâu có tiền để trả cho nhà xuất bản để đọc được thông tin khoa học mới nhất. Nhìn như thế, chúng ta phải nói là cái mô hình xuất bản khoa học hiện nay rất ư là thiếu đạo đức - unethical. 

Nhưng "vỏ quít dày có móng tay nhọn". Tôi mới đọc trên Science thấy có nói đến một website có tên là sci-hub.io do [hình như là] một em nghiên cứu sinh từ Kazashstan thành lập để thu thập tất cả (xin nhấn mạnh "tất cả") những bài báo khoa học trên các tập san, và cấp miễn phí cho tất cả đồng nghiệp khoa học trên thế giới (2). Tôi mới vào sci-hub.io thì thấy họ nói là website hiện đang lưu trữ 48 triệu bài báo! 

Thế là từ nay, các nhà khoa học VN có thể truy cập thông tin khoa học hoàn toàn miễn phí, không cần trả tiền cho nhà xuất bản. Tôi mới thử truy cập sci-hub.io, và gõ một số PMID (số id trên Pubmed) hay DOI là website cho ra một bản pdf. Thật là tuyệt vời! 

Tôi không rõ cách website này vận hành như thế nào, nhưng nó có vẻ rất hữu hiệu. Rất có thể nó được sự ủng hộ của những nhà khoa học ở các nước phát triển nên mới có những access code để tải các bài báo về. Cũng có thể trang web có mật mã của các thư viện đại học trên thế giới. Như một chuyên gia bình luận nói "In one fell swoop, a network has been created that likely has a greater level of access to science than any individual university, or even government for that matter, anywhere in the world. Sci-Hub represents the sum of countless different universities' institutional access - literally a world of knowledge."

Rõ ràng là các nhà xuất bản không hài lòng với sci-hub.io. Các nhà xuất bản đòi kiện người chủ trương trang web này ra toà, và toà yêu cầu họ phải đóng trang web. Theo pháp luật phương Tây thì trang web này là bất hợp pháp. Nhưng chẳng hiểu do lỗ hổng pháp lí nào đó, người chủ trương không đóng trang web. 

Trong thời gian nó chưa bị đóng cửa, thì giới khoa học từ các nước như VN có thể dùng ... thoải mái. 

=== 



Tuesday, September 8, 2015

NGHIÊN CỨU ỨNG DỤNG VÀ NGHIÊN CỨU CƠ BẢN VIỆT NAM NÊN CHỌN CÁI NÀO?

GS Nguyễn Văn Tuấn - Viện Garvan
Đối với các nước kĩ nghệ phương Tây, nghiên cứu cơ bản, và những tri thức sản sinh từ nghiên cứu cơ bản là động lực phát triển kinh tế. Điều đó không có gì phải bàn cãi, vì đã có rất nhiều chứng cứ khoa học cho mối quan hệ đó. Nhưng đối với các nước đang phát triển như Việt Nam, nghiên cứu cơ bản có thể xem là một xa xỉ.
Nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng
Trước hết, cần phải minh định những khác biệt chính giữa hai mô hình nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng. Về động cơ, có thể nói rằng tất cả hoạt động trong nghiên cứu cơ bản chỉ nhắm vào mục tiêu tri thức chứ không có gì khác hơn. Có những nhà khoa học tiêu ra cả đời chỉ để theo đuổi tìm hiểu cấu trúc của một phân tử, mà họ có khi không biết thông tin đó sẽ ứng dụng cho cái gì. Còn nghiên cứu ứng dụng thì có động cơ chính là ứng dụng tri thức, biến đổi hoặc cải tiến phương pháp, hay giải quyết một vấn đề thực tế. Do đó, sản phẩm của nghiên cứu cơ bản là tri thức mới mang tính lí thuyết và dữ liệu mới, nhưng đối với nghiên cứu ứng dụng, sản phẩm là những công trình nghiêng về ứng dụng những tri thức hiện hành để có những kết quả cho một mục đích cụ thể. Do đó, nghiên cứu cơ bản, một cách chung, là nền tảng của nghiên cứu ứng dụng. Để bào chế thuốc dùng cho điều trị bệnh, nhà khoa học cần phải biết rõ cơ chế hoạt động của các thành phần hoá học trong thuốc, và nắm chắc bệnh lí.

Để có những kiến thức về cơ chế và bệnh lí, cần phải có nghiên cứu cơ bản và chuyên sâu. Trong thực tế, có những lĩnh vực nghiên cứu nằm giữa lằn ranh của hai loại khoa học, và rất khó phân nhóm khoa học cơ bản hay khoa học ứng dụng. Ngày nay, ở các nước phương Tây, người ta hay nói đến một dạng nghiên cứu có tên là translational research (có thể tạm dịch là nghiên cứu tịnh tiến), là những nghiên cứu chuyển giao tri thức từ nghiên cứu cơ bản sang ứng dụng trong thực tế. Rất nhiều nước tiên tiến và đang phát triển khuyến khích theo đuổi các dự án nghiên cứu tịnh tiến.
Nên dành ưu tiên cho nghiên cứu cơ bản hay nghiên cứu ứng dụng là một đề tài tranh cãi dai dẳng trong nhiều thập niên, ngay cả ở những nước đã phát triển. Vấn đề còn tranh cãi xoay quanh tầm quan trọng của hai hình thái nghiên cứu: nghiên cứu cơ bản hay nghiên cứu ứng dụng quan trọng hơn? Đánh giá tầm quan trọng như thế nào? Đã có rất nhiều chứng cứ khoa học cho thấy nghiên cứu cơ bản là động lực phát triển kinh tế - xã hội ở các nước phương Tây. Rất nhiều các sản phẩm "thống trị" toàn cầu của các nước đã phát triển đều là những thành tựu của nghiên cứu cơ bản của vài thập niên trước. Nhưng nghiên cứu cơ bản đòi hỏi một sự đầu tư tương đối lớn và lâu dài, nhưng lợi ích thì khó có thể thấy trong một thời gian ngắn.
Nhưng cũng cần phải ghi nhận một thực tế là có rất nhiều (con số có thể lên đến 95% hay cao hơn) nghiên cứu cơ bản hoặc sai, hoặc không bao giờ được chuyển giao thành nghiên cứu ứng dụng hay được chuyển giao thành sản phẩm ứng dụng trong thực tế. Gần đây có một thống kê cho thấy chỉ có khoảng 5% các phát hiện từ nghiên cứu cơ bản công bố trên các tập san danh tiếng như Science, Nature, Cell, v.v. được chuyển giao thành ứng dụng thực tế lâm sàng; phần còn lại 95% hoặc là sai, hoặc không thể lặp lại, hoặc thất bại. Do đó, các nước đang phát triển thường ưu tiên đầu tư vào nghiên cứu ứng dụng hơn là nghiên cứu cơ bản.
Ngay cả ở các nước kĩ nghệ, đầu tư cho nghiên cứu cơ bản có khi cũng là đề tài công chúng quan tâm. Khoảng 3 năm trước đây, ở Mĩ có một cuộc tranh luận gay gắt xảy ra trong giới khoa học là có nên tài trợ cho nghiên cứu khoa học cơ bản quá nhiều như hiện nay. Câu chuyện được đưa ra để làm "chất liệu" cho tranh luận là một nhóm nghiên cứu được tài trợ khá nhiều tiền để nghiên cứu về … bộ phận sinh dục của vịt! Đó là một nghiên cứu thuộc loại khoa học cơ bản. Người chống những nghiên cứu cơ bản như thế cho rằng đó là một minh hoạ cho sự vô dụng của khoa học cơ bản, và trong thời "gạo châu củi quế" thì phải hạn chế tài trợ cho những nghiên cứu như thế, mà tập trung vào nghiên cứu có ích hơn. Người bênh thì nói đó là một mô hình nghiên cứu rất hay về ảnh hưởng của tiến hoá, biết được tại sao dương vật và âm vật của vịt có hình dạng đặc thù như ngày nay là một câu trả lời có thể quan trọng cho con người!
Người viết bài này cho rằng việc ưu tiên cho dạng nghiên cứu cơ bản hay ứng dụng tuỳ thuộc vào trình độ khoa học – công nghệ hiện hành và định hướng tương lai. Đối với các nước đã xây dựng được cơ sở vật chất khoa học tốt, người ta có thể ưu tiên cho khoa học cơ bản để duy trì tính tiên phong của họ. Đó là chính sách chung ở các nước kĩ nghệ bên Âu Mĩ và các nước mới nổi như Hàn Quốc và Singapore. Ngay cả ở các nước trong vùng như Thái Lan và Mã Lai, người ta khởi đầu với chiến lược ưu tiên cho khoa học ứng dụng, và khi năng lực khoa học đã được định hình như hiện nay, người ta bắt đầu đầu tư nhiều hơn cho nghiên cứu cơ bản. Xu hướng này thể hiện rất rõ qua những thống kê về công bố quốc tế của Thái Lan và Mã Lai trong 40 năm qua. Tôi đã xem qua những con số này và thấy 30 năm trước, tỉ lệ bài báo khoa học ứng dụng của Thái Lan và Mã Lai là gần 90%, nhưng trong 5 năm gần đây thì con số này giảm xuống còn 65%, phần còn lại là nghiên cứu cơ bản.
Xây dựng năng lực khoa học là ưu tiên hàng đầu
Đối chiếu lại tình hình Việt Nam, có thể nói rằng đại đa số nghiên cứu hiện nay là thuộc khoa học ứng dụng. Trong thời gian 5 năm qua (2010 – 2014), Việt Nam công bố được 8124 bài báo khoa học (không tính 1189 bài trong ngành toán) trên các tập san khoa học quốc tế trong danh mục ISI. Trong số này, chỉ có 281 bài (3.5%) liên quan đến sinh học phân tử. Trong cùng thời gian, Mã Lai công bố được 42,464 bài, và trong số này có gần 10% là liên quan đến sinh học phân tử và 23% liên quan đến các lĩnh vực khoa học cơ bản về vật lí và hoá học. Cố nhiên, đây chỉ là những con số rất "thô", vì chưa hẳn những công trình về sinh học phân tử là nghiên cứu cơ bản, hay những công trình mang tên giống khoa học cơ bản có thể là nghiên cứu ứng dụng. Những nhìn chung, những con số này cho thấy mức độ hoạt động khoa học cơ bản của Việt Nam còn khá khiêm tốn so với các nước trong vùng.
Hiện nay, Việt Nam đứng hạng 68 (trong số 236 quốc gia) trên thế giới về công bố quốc tế. Về tần số trích dẫn (một chỉ số phản ảnh một phần về chất lượng nghiên cứu) Việt Nam đứng hạng 65, so với Thái Lan (hạng 40), Malaysia (47) và Singapore (30). Tuy nhiên, điều đáng quan tâm là khoa học Việt Nam có nguy cơ lệ thuộc vào nước ngoài vì “nội lực” còn quá kém. Thật vậy, chỉ có 20% ấn phẩm là do nội lực, còn 80% các công trình công bố quốc tế là do hợp tác với các đồng nghiệp nước ngoài. Những công trình "đình đám" mà báo chí nhắc đến gần đây thật ra là do các nhà khoa học nước ngoài chủ trì. Trong khi đó, các nước như Mã Lai và Thái Lan thì tỉ lệ nội lực của họ lên đến 50%, tức ngang hàng các nước tiên tiến như Úc và Hàn Quốc.
Do đó, theo tôi, một ưu tiên hàng đầu của khoa học Việt Nam là nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học. Nghiên cứu ứng dụng là một môi trường, một phương tiện rất tốt để nâng cao năng lực khoa học. Xin nhắc lại và nhấn mạnh rằng khi viết "nghiên cứu ứng dụng", tôi không có ý đề cập đến những cải biên hay sử dụng những công nghệ mua từ nước ngoài, mà tôi muốn nói đến nghiên cứu nguyên thuỷ triển khai từ những kiến thức nghiên cứu cơ bản, hoặc nghiên cứu tịnh tiến. Qua các nghiên cứu ứng dụng, nhà khoa học có thể tiếp cận với các kĩ thuật và công nghệ nghiên cứu cơ bản ở nước ngoài.
Bốn yếu tố để xây dựng năng lực khoa học
Làm gì để nâng cao năng lực khoa học ở Việt Nam? Đây là một câu hỏi lớn, đòi hỏi nhiều nghiên cứu nghiêm chỉnh mới có thể cho ra một câu trả lời đáng tin cậy. Xuất phát từ kinh nghiệm thực tế ở một số nước đang phát triển, cá nhân tôi tin rằng câu trả lời cho câu hỏi trên nằm ở 4 yếu tố: (i) con người; (ii) chất lượng khoa học; (iii) môi trường khoa học; và (iv) tổ chức và quản lí.
Nghiên cứu khoa học, cũng như bất cứ lĩnh vực hoạt động nào, bắt đầu từ con người, cụ thể ơn là từ các nhà khoa học. Uy danh của một nền khoa học được xây dựng trên một tập thể những nhà khoa học có uy tín và có "tên tuổi" trên trường quốc tế. Họ là thành phần ưu tú (hay elite) trong cộng đồng khoa học, đóng vai trò lãnh đạo và đề ra viễn kiến, định hướng nghiên cứu, và chuyển gia thành quả nghiên cứu đến kĩ nghệ. Con người là yếu tố và cũng là điều kiện số 1 để xây dựng và thúc đẩy một nền khoa học có cơ may phát triển bền vững. Ở nước ta hiện nay, số nhà khoa học hạng elite cấp quốc tế còn rất ít. Theo dữ liệu từ Viện thông tin khoa học Hoa Kì (ISI), con số nhà khoa học Việt Nam có chỉ số H trên 20 chưa đầy 20 người. Hiện nay, rất nhiều nghiên cứu trong các ngành khoa học thực nghiệm (như y và sinh học) là do "ngoại lực", vì số thật sự "thuần Việt" chỉ chiếm chưa đầy 10% trên tổng số. Những dữ liệu trên đây cho thấy nhân sự khoa học của Việt Nam chưa đủ mạnh và dày để tạo một động lực cho phát triển bền vững.
Nghiên cứu khoa học không thể phát triển và khó có thể đạt phẩm chất cao nếu không tạo được một môi trường khoa học và văn hoá khoa học lành mạnh. Đó là môi trường tôn trọng sự thật khách quan, không câu nệ chủ nghĩa giáo điều, hay thành kiến dân tộc; phải có tự tin và sáng tạo, không máy móc đi theo đường mòn, không làm theo sách vở một cách máy móc; luôn luôn tìm tòi học hỏi; hợp tác và các nhà khoa học và ở một số người, biết lãnh đạo theo những nguyên tắc dân chủ văn minh. Môi trường khoa học còn mang tính kế thừa, chuẩn bị cho một thế hệ tiếp nối. Không có kế thừa, khoa học sẽ là đi vào bế tắc rất nhanh.
Hiệu năng của nghiên cứu khoa học có thể phụ thuộc lớn vào mô hình tổ chức và phân bố ngân sách nghiên cứu. Người viết bài này tin rằng mô hình tổ chức khoa học có hiệu quả cao là mô hình không tập trung. Xu hướng hiện nay là tổ chức khoa học theo "mô hình ngang", mà theo đó nhiều lab nghiên cứu tương tác với nhau trong một chương trình nghiên cứu. Với mô hình này, không cần những lab lớn, mà nhiều lab nhỏ nhưng mức độ tương tác giữa các lab phải cao. Cách chọn đề tài nghiên cứu cần phải dựa vào những chuẩn mực khoa học, và quan trọng là các tiêu chuẩn phải minh bạch. Nghiên cứu khoa học là một hoạt động rất khác với doanh nghiệp; do đó, mô hình quản lí khoa học của doanh nghiệp rất khó áp dụng cho khoa học. Quản lí khoa học phải tối thiểu hoá các thủ tục hành chính. Nên trao quyền tự chủ cho nhà khoa học trong việc quản lí tài chính và thu dụng nhân sự. Ưu tiên cho khoa học nào?
Bất cứ học thuyết xã hội nào cũng nhất trí một điều là nếu một quốc gia muốn trở thành một “diễn viên” đáng chú ý trên trường quốc tế, thì nghiên cứu khoa học và phát triển (R&D) đóng một vai trò then chốt. Bắt chước người khác, bán sản phẩm và công nghệ của người khác, hoặc gia công cho người khác có thể đem lại vài hiệu quả ngắn hạn, nhưng không thể là nền móng cho phát triển về lâu về dài. Người ta phân biệt người bắt chước với người sáng tạo qua khả năng phát triển công nghệ và các sản phẩm tri thức. Sản phẩm tri thức và sáng tạo được hình thành từ những nghiên cứu khoa học. Do đó, nghiên cứu khoa học đóng một vai trò cực kì quan trọng trong công cuộc đưa đất nước chuyển biến sang một nền kinh tế tiên tiến. Singapore, Đài Loan, và Hàn Quốc, và Trung Quốc không thể phát triển như ngày nay nếu không có chiến lược đầu tư lâu dài cho nghiên cứu khoa học. Bài học từ các nước này là khả năng sáng tạo trong khoa học và công nghệ là một điều kiện tiên quyết cho sự phát triển của một nước. Trong sự phát triển ở các nước vừa kể có sự đóng góp quan trọng của kiều bào họ. Một thống kê gần đây cho thấy 72% giám đốc các lab nghiên cứu trọng điểm cấp quốc gia Trung Quốc là do các chuyên gia Hoa kiều hồi hương đảm trách. Ở Hàn Quốc, tính đến năm 2010, gần 40% giáo sư và nhà khoa học trong các đại học Hàn Quốc là Hàn kiều hồi hương hoặc từng du học.
Nếu kinh nghiệm từ các nước như Hàn Quốc và Đài Loan là một bài học, chúng ta có thể suy đoán rằng Việt Nam hoàn toàn có khả năng phát triển như họ, với sự hợp tác của giới khoa học người Việt ở nước ngoài. Ở thời điểm này, có thể nói nhà nước và người Việt ở nước ngoài đã gặp nhau tại một giao điểm: ước nguyện làm cho Việt Nam phát triển nhanh chóng và ổn định. Nhưng vấn đề còn lại là làm sao biến chính sách và ước nguyện thành hiện thực, tạo điều kiện cho người Việt ở nước ngoài tham gia vào công cuộc kĩ nghệ hóa đất nước. Chính sách và những lời nói hoa mĩ chưa đủ, mà cần phải có một cơ chế thông thoáng và cụ thể, một sự đổi mới về tư duy là nền tảng cho những bước đi cụ thể kế tiếp.
Quay lại vấn đề dành ưu tiên cho hình dạng khoa học nào, tôi cho rằng Việt Nam chưa ở một trình độ khoa học lí tưởng để dành ưu tiên cho nghiên cứu cơ bản. Nước ta đang đối đầu với nhiều vấn đề thực tế và bức xúc [mà các nước đang phát triển khác đang trải qua] như ô nhiễm môi trường, sức khoẻ người dân, và các vấn đề xã hội. Cùng như nhu cầu xây dựng và phát triển kinh tế, đó là những vấn đề đặt ra nhiều câu hỏi cho nghiên cứu ứng dụng. Trong tình hình hiện nay ở nước ta, thật khó lí giải dành ưu tiên cho các công trình [chỉ là ví dụ] nghiên cứu bộ phận sinh vật của con vịt, hay theo đuổi một protein mà khả năng ứng dụng trong vòng 30 năm chưa rõ ràng. Tôi tin rằng ở các nước đang phát triển, nên ưu tiên cho nghiên cứu ứng dụng, và khi năng lực nghiên cứu đã ổn định thì sẽ tập trung vào nghiên cứu cơ bản.

Sunday, December 28, 2014

ĐIỀU TRỊ CHỐNG KẾT TẬP TIỂU CẦU TRONG HỘI CHỨNG MẠCH VÀNH CẤP, NGHIÊN CỨU PLATO


TS. Hồ Huỳnh Quang Trí
Viện Tim TP HCM

Cho tới gần đây, phối hợp clopidogrel với aspirin được xem là chuẩn mực của liệu pháp chống tiểu cầu trong hội chứng mạch vành cấp.1,2 Bản thân clopidogrel là một tiền chất, phải qua chuyển hóa ở gan để thành dạng có hoạt tính.
Chuyển hóa clopidogrel chịu tác động của nhiều yếu tố, do đó bệnh nhân có thể có đáp ứng khác nhau với cùng một liều clopidogrel. Những bệnh nhân đáp ứng kém với clopidogrel có nguy cơ huyết khối stent và nhồi máu cơ tim (NMCT) tăng cao.3 Các nhà nghiên cứu đã tìm cách phát triển những thuốc ức chế thụ thể P2Y12 mới thay thế cho clopidogrel. Prasugrel là một thuốc cùng nhóm thienopyridine với clopidogrel, có hiệu quả chống tiểu cầu mạnh hơn clopidogrel.4 Trong nghiên cứu TRITON-TIMI 38 trên bệnh nhân hội chứng mạch vành cấp được lên chương trình can thiệp mạch vành qua da, prasugrel giảm có ý nghĩa NMCT và huyết khối stent so với clopidogrel nhưng lại tăng có ý nghĩa chảy máu nặng, đặc biệt là chảy máu đe dọa tính mạng và chảy máu gây chết.5 Ticagrelor là một thuốc ức chế tiểu cầu dùng đường uống không thuộc nhóm thienopyridine, có tác dụng trực tiếp ức chế có hồi phục thụ thể P2Y12 của tiểu cầu. Một số nghiên cứu hoa tiêu cho thấy ticagrelor ức chế P2Y12 nhanh hơn, mạnh hơn và ổn định hơn so với clopodogrel.6,7 Đây là những tiền đề cho việc thực hiện nghiên cứu PLATO (Study of Platelet Inhibition and Patient Outcomes) có mục tiêu là xác định liệu ticagrelor có hiệu quả cao hơn clopidogrel trong việc ngăn ngừa các biến cố mạch máu và tử vong ở bệnh nhân hội chứng mạch vành cấp hay không.

NGHIÊN CỨU PLATO: PHƯƠNG PHÁP
PLATO là một thử nghiệm lâm sàng phân nhóm ngẫu nhiên, mù đôi, đa trung tâm. Tiêu chuẩn tuyển vào PLATO là hội chứng mạch vành cấp có hoặc không có ST chênh lên với triệu chứng bắt đầu trong vòng 24 giờ trước. Bệnh nhân hội chứng mạch vành cấp không ST chênh lên cần có ít nhất 2 trong số 3 tiêu chuẩn sau: thay đổi ST trên điện tim là chỉ dấu của thiếu máu cục bộ; test chỉ điểm sinh học dương tính cho thấy có hoại tử cơ tim; hoặc một trong số các yếu tố nguy cơ (tuổi ≥ 60; tiền sử NMCT hoặc mổ bắc cầu mạch vành; hẹp ≥ 50% ít nhất 2 động mạch vành; tiền sử đột quị dạng thiếu máu cục bộ, cơn thiếu máu não thoáng qua, hẹp động mạch cảnh ít nhất 50%, hoặc tái tưới máu não; đái tháo đường; bệnh động mạch ngoại vi; hoặc thanh thải creatinin < 60 ml/min/1,73 m2). Bệnh nhân hội chứng mạch vành cấp với ST chênh lên cần có 2 tiêu chuẩn sau: ST chênh lên ít nhất 0,1 mV dai dẳng trên ít nhất 2 chuyển đạo kế cận hoặc bloc nhánh trái mới xuất hiện, và có ý định can thiệp mạch vành qua da thì đầu. Các tiêu chuẩn loại trừ gồm: chống chỉ định dùng clopidogrel, điều trị tiêu sợi huyết trong vòng 24 giờ trước khi phân nhóm ngẫu nhiên, cần điều trị chống đông uống, nguy cơ cao bị nhịp chậm, và dùng đồng thời một thuốc có tác dụng ức chế hoặc kích hoạt mạnh cytochrome P450 3A.
Bệnh nhân được phân ngẫu nhiên cho dùng ticagrelor hoặc clopidogrel. Ticagrelor được dùng với liều nạp 180 mg, sau đó duy trì 90 mg x 2/ngày. Bệnh nhân ở nhóm clopidogrel chưa được dùng liều nạp và không có dùng clopidogrel ít nhất 5 ngày trước phân nhóm ngẫu nhiên được cho dùng liều nạp 300 mg, sau đó duy trì 75 mg/ngày. Những bệnh nhân khác ở nhóm clopidogrel được tiếp tục dùng liều duy trì 75 mg/ngày. Bệnh nhân được can thiệp mạch vành qua da sau phân nhóm ngẫu nhiên được cho dùng kiểu mù đôi thêm một liều thuốc bổ sung vào lúc can thiệp: 300 mg clopidogrel hoặc 90 mg ticagrelor cho những người được can thiệp hơn 24 giờ sau phân nhóm ngẫu nhiên. Ở những bệnh nhân được lên chương trình mổ bắc cầu mạch vành, clopidogrel được ngưng 5 ngày và ticagrelor được ngưng 24-72 giờ trước mổ. Tất cả bệnh nhân đều được dùng aspirin 75-100 mg/ngày. Bệnh nhân trước đó chưa dùng aspirin được cho uống liều nạp 325 mg. Liều aspirin 325 mg/ngày cũng được dùng trong 6 tháng đầu sau đặt stent.
Tiêu chí đánh giá (TCĐG) chính về hiệu quả là phối hợp các biến cố chết do nguyên nhân mạch máu, NMCT và đột quị. Chết do nguyên nhân mạch máu được định nghĩa là chết do nguyên nhân tim mạch hoặc do nguyên nhân mạch máu não hoặc chết mà không có một nguyên nhân được biết khác. Các nhà nghiên cứu ước tính cần có 1780 biến cố thuộc TCĐG chính để đạt độ mạnh 90% nhằm phát hiện một mức giảm nguy cơ tương đối 13,5% của TCĐG chính ở nhóm ticagrelor so với nhóm clopidogrel, với giả thuyết là tần suất biến cố ở nhóm clopidogrel là 11% sau 12 tháng. TCĐG tính an toàn là chảy máu nặng. Chảy máu nặng đe dọa tính mạng gồm chảy máu gây chết, chảy máu nội sọ, chảy máu trong màng tim gây chèn ép tim cấp, choáng giảm thể tích tuần hoàn hoặc tụt huyết áp nặng do chảy máu khiến phải dùng thuốc vận mạch hoặc phẫu thuật, giảm Hb ít nhất 5,0 g/dl hoặc phải truyền ít nhất 4 đơn vị hồng cầu. Các trường hợp chảy máu nặng khác gồm chảy máu gây tàn phế có ý nghĩa lâm sàng (ví dụ chảy máu nội nhãn gây mù vĩnh viễn) hoặc chảy máu gây giảm Hb ít nhất 3,0 g/dl nhưng dưới 5,0 g/dl hoặc khiến phải truyền 2-3 đơn vị hồng cầu.
KẾT QUẢ PLATO
Kết quả PLATO được công bố tháng 8/2009.8 Tổng cộng có 18 624 bệnh nhân được tuyển vào PLATO từ 862 trung tâm ở 43 quốc gia. Đặc điểm ban đầu và điều trị của bệnh nhân được nêu trên bảng 1 và 2. Thời điểm trung vị bắt đầu dùng thuốc nghiên cứu là 11,3 giờ sau khi bắt đầu đau ngực. Ở nhóm clopidogrel có 79,1% được dùng liều ít nhất 300 mg và 19,6% được dùng liều ít nhất 600 m tính cho đến 24 giờ sau phân nhóm ngẫu nhiên. Tỉ lệ ngưng thuốc sớm ở nhóm ticagrelor hơi cao hơn so với nhóm clopidogrel (23,4% so với 21,5%). Tỉ lệ gắn kết với thuốc nghiên cứu của 2 nhóm ngang nhau, là 82,8%.
Hiệu quả của thuốc nghiên cứu:Các biến cố thuộc TCĐG chính xảy ra ở nhóm ticagrelor ít hơn so với ở nhóm clopidogrel (9,8% so với 11,7% sau 12 tháng; P < 0,001) (xem hình 1 và bảng 3). Sự khác biệt về hiệu quả điều trị xuất hiện rất sớm, chỉ sau 30 ngày và sau đó được duy trì trong suốt thời gian nghiên cứu. Trong các thành phần của TCĐG chính, NMCT và chết do nguyên nhân mạch máu ở nhóm ticagrelor đều thấp hơn có ý nghĩa so với ở nhóm clopidogrel (bảng 3). Tỉ lệ đột quị của 2 nhóm tương đương. Tỉ lệ tử vong do mọi nguyên nhân ở nhóm ticagrelor thấp hơn có ý nghĩa so với ở nhóm clopidogrel. Điều trị bằng ticagrelor cũng giúp giảm có ý nghĩa biến cố huyết khối stent (bảng 3).
Tính an toàn của thuốc nghiên cứu:Tỉ lệ chảy máu nặng của 2 nhóm không khác biệt (11,6% ở nhóm ticagrelor và 11,2% ở nhóm clopidogrel; P = 0,43). Tỉ lệ chảy máu nặng không liên quan với phẫu thuật bắc cầu mạch vành của nhóm ticagrelor cao hơn (4,5% so với 3,8% ở nhóm clopidogrel; P = 0,03). Ở nhóm ticagrelor tỉ lệ chảy máu nội sọ gây chết cao hơn (0,1% so với 0,01%; P = 0,02), bù lại tỉ lệ các loại chảy máu gây chết khác thấp hơn (0,1% so với 0,3%; P = 0,03). Khó thở thường gặp ở nhóm ticagrelor hơn (13,8% so với 7,8% ở nhóm clopidogrel; P < 0,001). Về ảnh hưởng trên chỉ số sinh hóa, các nhà nghiên cứu ghi nhận bệnh nhân dùng ticagrelor có axít uric và creatinin huyết thanh tăng nhẹ so với bệnh nhân dùng clopidogrel.
Bảng 1:Đặc điểm ban đầu của bệnh nhân tham gia PLATO
Đặc điểm  Nhóm ticagrelor Nhóm clopidogrel
Tuổi trung vị – năm             62,0             62,0
Tuổi ≥ 75 – số (%)       1396 (15,0)       1482 (16,0)
Giới nữ – số (%)       2655 (28,4)       2633 (28,3)
Cân nặng trung vị – kg             80,0             80,0
Tiền sử – số (%)NMCT
Can thiệp mạch vành qua da
Mổ bắc cầu mạch vành
Đột quị không phải xuất huyết
Bệnh thận mạn
Đái tháo đường
 1900 (20,4)
1272 (13,6)
532 (5,7)
353 (3,8)
379 (4,1)
2326 (24,9)
 1924 (20,7)
1220 (13,1)
574 (6,2)
369 (4,0)
406 (4,4)
2336 (25,1)
Chẩn đoán cuối cùng – số (%)NMCT ST chênh lên
NMCT không ST chênh lên
Đau thắt ngực không ổn định
Chẩn đoán khác hoặc thiếu dữ liệu
 3496 (37,5)
4005 (42,9)
1549 (16,6)
283 (3,0)
 3530 (38,0)
3950 (42,5)
1563 (16,8)
248 (2,7)
Yếu tố nguy cơ của NMCT ST chênh lênKillip class > 2
Điểm TIMI ≥ 3
 25 (0,7)
1584 (45,3)
 41 (1,2)
1553 (44,0)
Điểm TIMI ≥ 5 (NMCT không ST chênh lên)       1112 (20,0)       1170 (21,2)

Bảng 2:Điều trị của bệnh nhân tham gia PLATO

 Nhóm ticagrelorNhóm clopidogrel Trị số p
Bắt đầu điều trị được phânBệnh nhân được điều trị – số (%)
Số giờ từ lúc bắt đầu đau ngực
Trung vị (khoảng tứ phân vị)
Số giờ từ lúc nhập viện
Trung vị (khoảng tứ phân vị)
 9235 (98,9)

11,3 (4,8-19,7)

4,9 (1,3-18,8)
 9186 (98,9)

11,3 (4,8-19,8)

5,3 (1,4-15,8)


0,89

0,75
Điều trị chống huyết khối – số (%)Aspirin sau phân nhóm ngẫu nhiên
Heparin không phân đoạn
Heparin trọng lượng phân tử thấp
Fondaparinux
Bivalirudin
Ức chế glycoprotein IIb/IIIa
 9092 (97,4)
5304 (56,8)
4813 (51,6)
251 (2,7)
188 (2,0)
2468 (26,4)
 9056 (97,5)
5233 (56,3)
4706 (50,7)
246 (2,6)
183 (2,0)
2487 (26,8)
 0,85
0,49
0,21
0,89
0,83
0,62
Thủ thuật/phẫu thuật – số (%)Can thiệp mạch vành qua da
Đặt stent mạch vành
Chỉ dùng stent thường
Dùng ít nhất 1 stent phủ thuốc
Mổ bắc cầu mạch vành
 5978 (64,1)
5640 (60,4)
3921 (42,0)
1719 (18,4)
931 (10,0)
 5999 (64,6)
5649 (60,8)
3892 (41,9)
1757 (18,9)
968 (10,4)
 0,46
0,61
0,87
0,40
0,32
Số giờ từ liều thuốc đầu đến khi can thiệp mạch vành qua da – trung vị (khoảng tứ phân vị)NMCT ST chênh lên
NMCT không ST chênh lên

0,25 (0,05-0,75)
3,93 (0,48-46,9)

0,25 (0,05-0,72)
3,65 (0,45-50,8)
    0,78


Bảng 3:Kết quả nghiên cứu PLATO
Biến cốNhóm ticagrelorNhóm clopidogrelHR (KTC 95%)Trị số p
TCĐG chính (chết do nguyên nhân mạch máu, NMCT hoặc đột quị)         9,8%          11,7%0,84 (0,77-0,92)< 0,001
TCĐG phụNMCT
Chết do mạch máu
Đột quị
Thiếu máu cục bộ
Xuất huyết
Không rõ loại
 5,8%
4,0%
1,5%
1,1%
0,2%
0,1%
 6,9%
5,1%
1,1%
1,1%
0,1%
0,02%
 0,84 (0,75-0,95)
0,79 (0,69-0,91)
1,17 (0,91-1,52)
 0,005
0,001
0,22
0,74
0,10
0,04
Chết do mọi nguyên nhân         4,5%           5,9%0,78 (0,69-0,89)< 0,001
Huyết khối stent được khẳng định         1,3%           1,9%0,67 (0,50-0,91)   0,009
Hình 1:Tần suất dồn chết do nguyên nhân mạch máu, NMCT hoặc đột quị ở nhóm clopidogrel (đường trên) và nhóm ticagrelor (đường dưới).
Hình 1:Tần suất dồn chết do nguyên nhân mạch máu, NMCT hoặc đột quị ở nhóm clopidogrel (đường trên) và nhóm ticagrelor (đường dưới).
Ý NGHĨA CỦA PLATO ĐỐI VỚI THỰC HÀNH LÂM SÀNG
Kết quả PLATO đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong quá trình tìm kiếm một thuốc mới thay thế cho clopidogrel. Trong TRITON-TIMI 38 được công bố trước đó, prasugrel là một thuốc có hiệu quả chống tiểu cầu mạnh hơn clopidogrel giúp giảm NMCT và huyết khối stent so với clopidogrel nhưng lại tăng chảy máu nặng.5 Điều này tạo ấn tượng là muốn giảm biến cố huyết khối thì buộc phải trả một cái giá là chảy máu nặng tăng. Tuy nhiên trong PLATO, ticagrelor giúp giảm rõ rệt các biến cố huyết khối nhưng lại không tăng chảy máu nặng. Một điểm khác biệt nữa giữa 2 nghiên cứu là trong TRITON-TIMI 38 điều trị bằng prasugrel không giảm tử vong do mọi nguyên nhân so với clopidogrel, trong khi trong PLATO điều trị bằng ticagrelor giảm có ý nghĩa 22% tử vong do mọi nguyên nhân so với clopidogrel. Với kết quả của PLATO, y giới có thêm một thuốc chống tiểu cầu mới có hiệu quả cao hơn và an toàn tương đương clopidogrel. Hiện ticagrelor đã được chính thức đưa vào các hướng dẫn điều trị hội chứng mạch vành cấp có lẫn không có ST chênh lên.9,10

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1)    Anderson JL, Adams CD, Antman EM, et al. ACC/AHA 2007 guidelines for the management of patients with unstable angina/non ST-elevation myocardial infarction: a report of the American College of Cardiology/American Heart Association Task Force on Practice Guidelines. Circulation 2007;116:e148-e304.
2)    Antman EM, Anbe DT, Armstrong PW, et al. ACC/AHA guidelines for the management of patients with ST-elevation myocardial infarction – executive summary: a report of the American College of Cardiology/American Heart Association Task Force on Practice Guidelines. Circulation 2004;110:588-636.
3)    Kuliczkowski W, Witkowski A, Polonski L, et al. Interindvidual variability in the response to oral antiplatelet drugs: a position paper of the Working Group on antiplatelet drug resistance appointed by the Section of Cardiovascular Interventions of the Polish Cardiac Society, endorsed by the Working Group on Thrombosis of the European Society of Cardiology. Eur Heart J 2009;30:426-435.
4)    Wallentin L, Varenhorst C, James S, et al. Prasugrel achieves greater and faster P2Y12 receptor-mediated platelet inhibition than clopidogrel due to more efficient generatiuon of its active metabolite in aspirin-treated patients with coronary artery disease. Eur Heart J 2008;29:21-30.
5)    Wiviott SD, Braunwald E, McCabe CH, et al. Prasugrel versus clopidogrel in patients with acute coronary syndromes. N Engl J Med 2007;357:2001-2015.
6)    Storey RF, Husted S, Harrington RA, et al. Inhibition of platelet aggregation by AZD6140, a reversible oral P2Y12 receptor antagonist, compared with clopidogrel in patients with acute coronary syndromes. J Am Coll Cardiol 2007;50:1852-1856.
7)    Husted S, Emanuelsson H, Heptinstall S, et al. Pharmacodynamics, pharmacokinetics, and safety of the oral reversible P2Y12 antagonist AZD6140 with aspirin in patients with atherosclerosis: a double-blind comparison to clopidogrel with aspirin. Eur Heart J 2006;27:1038-1047.
8)    Wallentin L, Becker RC, Budaj A, et al, for the PLATO Investigators. Ticagrelor versus clopidogrel in patients with acute coronary syndromes. N Engl J Med 2009;361:1045-1057.
9)    Jneid H, Aderson JL, Wright RS, et al. 2012 ACCF/AHA Focused Update of the guideline for the management of patients with unstable angina/non-ST-elevation myocardial infarction: a report of the American College of Cardiology Foundation/American Heart Association Task Force on Practice Guidelines. Circulation 2012;126:875-910.
10)    OGara PT, Kushner FG, Ascheim DD, et al. 2013 ACCF/AHA guideline for the management of ST-elevation myocardial infarction. J Am Coll Cardiol 2013;61:e78-140.

Sunday, December 14, 2014

CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH NGHIÊN CỨU PHÂN TÍCH GỘP

Phân tích gộp là nghiên cứu có giá trị nhất trong thang giá trị nghiên cứu y học chứng cứ.
Bài giảng rất hay của TS. Nguyễn Văn Huy – Viện Đào tạo YHDP và YTCC, Trường Đại học Y Hà Nội
Link tải
http://www.oni.vn/MWti8

Sunday, November 23, 2014

BÁC SĨ PHẢI THƯỜNG XUYÊN VIẾT BÀI BÁO KHOA HỌC

Trong nghiên cứu khoa học nói chung, nghiên cứu y học nói riêng, để đánh giá một nhà khoa học trên thế giới (Việt Nam đã bắt đầu làm) thường dựa vào số lượng bài báo của nhà khoa học đăng trên tập san có bình duyệt. Ở Việt Nam, mình thấy có nhiều sinh viên y khoa hiện nay có nhiều kỹ năng mềm vượt bậc hơn một vài năm về trước, các bạn có Anh Văn tốt được học bài bản tại các trung tâm, các bạn thuyết trình tự tin hơn, kỹ năng viết chuyên đề cũng tốt hơn. Đây là tín hiệu khả quan cho ngành y nước nhà.  Bác sĩ thời nay không phải chỉ biết khám bệnh và chữa bệnh, bác sĩ phải biết tổng kết kinh nghiệm thực hành, thực hiện các nghiên cứu lâm sàng để tìm ra cách điều trị tối ưu, đơn giản hơn là phải báo cáo những trường hợp hay cho đồng nghiệp khắp nơi được biết. Như thế mới là một bác sĩ đích thực. Và những kỹ năng mềm: Anh Văn, kỹ năng viết bài báo khoa học, kỹ năng thuyết trình là rất cần thiết. Khi còn là sinh viên y khoa mọi người phải cố gắng trau dồi những kỹ năng này nhé.



Monday, November 10, 2014

4 phương pháp để bác sĩ không tụt hậu trong điều trị

Thời đại này là thời đại của y học bằng chứng. Người bác sĩ ngoài việc nhạy lâm sàng còn phải luôn cập nhật kiến thức y khoa lấy từ các nghiên cứu để không bị tụt hậu về chuyên môn. Và quan trọng hơn nữa là luôn biết được những phương pháp tốt nhất để chẩn đoán và điều trị cho bệnh nhân. Kinh nghiệm bản thân tôi xin đưa ra 4 phương pháp sau:


1. Đọc tạp chí chuyên ngành.

Tạp chí chuyên ngành phải có bình duyệt, nếu không chỉ là những tạp chí kém chất lượng khoa học. Chúng ta có thể đọc qua mạng hoặc báo giấy, thường thì các bản điện tử thuận tiện hơn. Một số tạp chí y khoa uy tín dạng tổng quát là: The Lancet, New England Journal Medicine, Nature Medicine, British Journal Medicine...




2. Tham dự hội nghị hoặc hội thảo của các hội y học. 

Định kỳ hằng năm, hằng tháng các hội y học sẽ tổ chức các hội nghị, hội thảo, đây là dịp để các bác sĩ tiếp cận với các kiến thức mới từ các chuyên gia. Hơn nữa, chúng ta sẽ gặp gỡ và trao đổi với họ những thắc mắc, vấn đề gặp phải trong thực tế lâm sàng. Nếu không có thời gian, chúng ta có thể xin email từ họ để trao đổi sau này. Các chuyên gia luôn luôn vui vẻ cho chúng ta email, ngoại trừ một số ít người muốn giữ sự riêng tư.


3. Đăng ký tham dự các khóa học ngắn hạn (workshop) về một kỹ thuật hoặc các buổi chuyên đề đào tạo liên tục (CME). Đây cũng là dịp gặp gỡ các chuyên gia. Thường thì các trường đại học y khoa sẽ làm việc này. Một số chương trình sẽ mời các chuyên gia từ nước ngoài. 



4. Điều quan trọng là trau dồi Anh ngữ. 

Ngôn ngữ y khoa trong giao tiếp quốc tế là Anh ngữ. Các tiến bộ mới nhất trong tất cả các lĩnh vực y học đều được chuyển tải bằng Anh ngữ. Nếu bạn nghe và đọc Anh ngữ giỏi thì bạn có thể học được từ các giáo sư hàng đầu trong các lĩnh vực y học mà không mất một đồng nào. Bởi vì các chương trình CME, các bài giảng rất phong phú trên internet, đặc biệt là trang youtube.  


Lấy thông tin y khoa từ textbook chỉ dành cho sinh viên, bởi vì đó là những kiến thức căn bản. Mặc dù các sách y khoa viết bằng Anh ngữ cũng cập nhật kiến thức mới, nhưng sớm nhất cũng từ 1-2 năm, khi kiến thức đó là kinh điển người ta mới dám đưa vào textbook. 2 textbook kinh điển trong y khoa:


Harrison 19th

https://sachyhoc-mienphi.blogspot.com/2015/04/harrison-19th-2015-sach-noi-khoa-uy-tin.html

Washington 35th năm 2016

https://sachyhoc-mienphi.blogspot.com/2016/04/cam-nang-ieu-tri-noi-khoa-washington.html

Sunday, November 9, 2014

TỪ NGHIÊN CỨU ĐẾN CÔNG BỐ KỸ NĂNG MỀM CHO NHÀ KHOA HỌC

Chữ ký của GS. Nguyễn Văn Tuấn (bên dưới)
Quyển sách này có thể nói như người mẹ của tôi trong nghiên cứu khoa học. Tác giả quyển sách là người tôi rất kính trọng và mến mộ, được nói chuyện với giáo sư thì càng mến phục hơn. Cảm ơn giáo sư đã cho tôi tư duy nghiên cứu y học. Các bạn sinh viên y khoa và ngay cả các bác sĩ cũng cần biết về nghiên cứu khoa y học qua những quyển sách của thầy. Vì ngày nay là thời đại của y học bằng chứng, nếu không có bằng chứng nghiên cứu thì việc điều trị chỉ làm hại bệnh nhân. Và một nguyên tắc quan trọng trong y khoa là: bất hại - nếu không giúp bệnh nhân khỏe hơn thì đừng làm trầm trọng thêm.

http://tuanvannguyen.blogspot.com/
Nếu không thể mua sách các bạn có thể lên trang này để đọc những bài của GS, nội dung vẫn tương tự.

Friday, November 7, 2014

PHẪN MỀM TẠO TRÍCH DẪN END.NOTE X6 CRACK - DÀNH CHO AI LÀM ĐỀ TÀI NGHIÊN CỨU KHOA HỌC


Tài liệu tham khảo là một phần không thể thiếu trong việc làm đề tài nghiên cứu khoa học. Và Endnote là phần mềm không thể thiếu để làm công việc trích dẫn và quản lý tài liệu tham khảo. Gửi đến mọi người phần mềm hữu ích này

Sau khi cài đặt xong các bạn copy file nằm trong thư mục crack vào thư mục vừa cài đặt.

Link tải
https://drive.google.com/file/d/0B_aQ4t-kM1coU3lPS0xQb3kwNlU/view?usp=sharing
https://drive.google.com/file/d/0B_aQ4t-kM1codE00bnl2MGphVjA/view?usp=sharing
https://drive.google.com/file/d/0B_aQ4t-kM1coaEg3ZUp0d2ViZEE/view?usp=sharing

Wednesday, October 1, 2014

KINH NGHIỆM DOWNLOAD MIỄN PHÍ BÀI BÁO KHOA HỌC TRÊN CÁC TẠP CHÍ Y KHOA


Vào năm cuối y khoa, khi chuẩn bị làm đề tài tốt nghiệp thì việc quan trọng đầu tiên là tìm được tài liệu tham khảo. Trên trang Pubmed có hàng triệu bài viết y khoa, tuy nhiên những bài có giá trị thường tính phí. Sau đây chúng tôi xin giới thiệu những kinh nghiệm lấy những bài báo fulltext miễn phí của nhóm sinh viên ĐHYD TP.HCM.

Bước 1:
Kiểm tra file có cho tải miễn phí không? Trên Pubmed luôn luôn có mục link bài báo gốc, một số sẽ cho tải bài báo miễn phí (free full text).

Kế tiếp vào Google Scholar search "title" của bài báo link download fulltext bài báo có thể thấy trong ô màu đỏ từ nguồn gốc của bài báo hay từ thư viện của trường bạn (ô xanh).

Nếu vẫn chưa có bạn search "tựa bài báo" AND PDF trên google, hay "tựa bài báo" ANDResearchgate. Nếu tác giả upload bài báo bạn sẽ thấy chữ download, nếu không, bạn có thể yêu cầu tác giả gởi cho bạn bài báo thông qua Researchgate account bằng cách click vào request. Một người làm nghiên cứu khoa học nên có account của Researchgate, nó khá có ích như facebook, bạn có thê hỏi về method, bất kỳ lĩnh vực nghiên cứu gì trên đó.

Bước 2: nếu bài báo không free, bạn vào trang sau: http://gen.lib.rus.ec/. Nhập mã DOI vào ô Scientific để tìm. Số DOI này bạn có thể thấy trên trang abstract của bài báo trên Pubmed (hình bên dưới).

Bước 3: nếu vẫn không có link bài báo, bạn vào http://sci-hub.org/. Nhập vào ô tìm kiếm link gốc của bài báo (nhớ là link gốc không phải link pubmed). Nếu may mắn bạn sẽ được tải file bài báo ngay, nếu không thì trang web dẫn bạn tới trang bài báo gốc, bạn tìm nút Download nhấn vào thì có khả năng sẽ tải được bài báo.

Bước 4: Nếu tự tìm không được, các bạn vào các group facebook như:https://www.facebook.com/profile.php?id=188053074599163 (nhóm tải báo), https://www.facebook.com/profile.php?id=461175494012327 (nhóm tải tài liệu khoa học) post link bài báo để xin.

Các nhóm quốc tế khác:

Lưu ý: nếu bạn không tự tìm trước trên gen.lib hoặc sci-hub, những người trên group này sẽ không giúp các bạn tải đâu.

 Bước 4: Nếu bạn vẫn chưa tìm được bài báo, bạn có thể gởi email trực tiếp tới tác giả, bạn nên dùng account yahoo hay google email khoảng 20-30% các tác giả sẽ gởi bài cho bạn nếu bài báo xuất bản gần đây (sau 2000).


Bước 5: Bạn mua báo từ thư viện trường của bạn, đôi khi họ làm biếng và bảo không có, bạn tìm thư viện nào đó có bài báo, bạn có thể kiếm người Việt nào đó copy giùm cho bạn.

Trên đây chỉ là kinh nghiệm ít ỏi mà nhóm mình có được. Mọi người nếu có các phương pháp khác thì giới thiệu cho các bạn khác nữa nhé. Cảm ơn các anh chị và các bạn.

Vào Google Scholar search "title" của bài báo link download fulltext bài báo có thể thấy trong ô màu đỏ từ nguồn gốc của bài báo hay từ thư viện của trường bạn (ô xanh).Vào Google Scholar search "title" của bài báo link download fulltext bài báo có thể thấy trong ô màu đỏ từ nguồn gốc của bài báo hay từ thư viện của trường bạn (ô xanh).
Vào Researchgate: Nếu tác giả upload bài báo bạn sẽ thấy chữ download, nếu không, bạn có thể yêu cầu tác giả gởi cho bạn bài báo thông qua Researchgate account bằng cách click vào request.Vào Researchgate: Nếu tác giả upload bài báo bạn sẽ thấy chữ download, nếu không, bạn có thể yêu cầu tác giả gởi cho bạn bài báo thông qua Researchgate account bằng cách click vào request.

Trần Tiểu Tiên (ĐH Y Dược TPHCM), Nguyễn Phước Long (ĐH Y Dược TPHCM),
Nguyễn Tiến Huy (ĐH Nagasaki)