Với những hình ảnh biểu cảm và ấn tượng. Giáo sư Nguyễn Sào Trung cho chúng ta những "mẹo" giao tiếp hiệu quả với người bệnh.
Link tảihttp://www.oni.vn/dvUJQ
Trường Y chỉ là nơi để tạo ra cái nền, trang bị cho các em kiến thức về y học và khoa học. Sau khi ra trường, trong quá trình làm việc, các bác sĩ tiếp tục học hỏi từ thực tế, từ các bậc đàn anh, qua các khóa đào tạo y khoa liên tục, sách vở và nhất là các trang web, nghĩa là phải tự đào tạo mình. Khi đã vào ngành Y, làm bác sĩ là phải chấp nhận làm sinh viên suốt đời" - GS.TS.BS Nguyễn Sào Trung. sự kiện nóng
|
GS.TS.BS Nguyễn Sào Trung. Tranh Hoàng Tường |
GS.TS.BS Nguyễn Sào Trung là một “con ngoan, trò giỏi”. Năm 1969, sau khi tốt nghiệp tú tài, ông thi vào bảy trường đại học ở Sài Gòn và đều đậu hết. Sở dĩ có thể thi được nhiều trường như vậy là bởi hồi đó các trường đại học đều tự trị, tự tổ chức tuyển sinh vào những thời điểm khác nhau.
Nhập học ngành điện tại Trường Phú Thọ (nay là Trường đại học Bách Khoa) được khoảng một tháng, Nguyễn Sào Trung nhận được giấy báo đậu trường Y. Để sau này sẽ có một bác sĩ trong nhà như mong muốn của người mẹ của mình, anh chuyển sang học Y. Vâng lời thầy hiệu trưởng, sau khi tốt nghiệp, anh ở lại trường làm công tác giảng dạy. Hơn 30 năm gắn bó với nghề y, Nguyễn Sào Trung được nhắc đến như một người thầy giáo tận tâm, một người thầy thuốc tận tụy.
Dù khá bận rộn với công tác tuyển sinh nhưng ông vẫn thu xếp dành cho chúng tôi một cuộc tiếp xúc, diễn ra tại văn phòng làm việc của ông trong khuôn viên Trường đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Cuộc trò chuyện mở đầu bằng những trăn trở của ông đối với thực trạng ngành Y hiện nay. Ông nói:
Nguồn nhân lực y tế vừa thiếu, vừa yếu, và mất cân đối nghiêm trọng về chất lượng điều trị giữa khu vực thành thị và nông thôn. Đây cũng là tình trạng chung của thế giới hiện nay. Ngay tại các nước đã phát triển, có nền y học tiên tiến, người ta vẫn luôn phải đi tìm lời giải thích hợp cho hai vấn đề trên. Theo một báo cáo năm 2006 của Tổ chức Y tế Thế giới, tại nhiều nước, kể cả các nước đã phát triển, nhu cầu về nhân lực y tế ngày càng cao, do một số nguyên nhân như sau.
Thứ nhất, số lượng cán bộ y tế được đào tạo hằng năm không đủ so với nhu cầu. Thứ hai, đội ngũ cán bộ y tế đang ngày càng già đi. Thứ ba, tuổi thọ bình quân tăng cao, tuổi bình quân của dân số cũng già hơn nên cũng có nhiều bệnh tật hơn, đòi hỏi chăm sóc y tế nhiều hơn. Thứ tư, tỷ lệ của nhiều bệnh mạn tính tăng cao. Dự báo trong 10 năm tới, đặc biệt là tại châu Á, châu Phi, Trung Đông, tỷ lệ của các bệnh mạn tính không lây, đặc biệt là các bệnh tiểu đường, tim mạch, hô hấp, ung thư, tâm thần, sẽ tăng cao, do lối sống ít vận động, thói quen ăn uống thực phẩm “thừa năng lượng, ít chất xơ”, hút thuốc lá, căng thẳng thường xuyên… Các bệnh này sẽ làm cho gánh nặng tài chính và nhân lực của ngành y tế vốn đã nặng càng nặng thêm.
Có một số ý kiến cho rằng ngành Y của chúng ta tụt hậu khá xa so với thế giới. Là người có nhiều năm làm công tác giảng dạy tại một trong những trung tâm đào tạo y khoa lớn nhất cả nước, ông nghĩ sao?
- Theo tôi, có thể chia y học thành hai lĩnh vực, điều trị và nghiên cứu cơ bản. Trong lĩnh vực điều trị, thầy thuốc chúng ta không thua kém các nước khác. Nhưng trong nghiên cứu cơ bản, nhất là những nghiên cứu phục vụ điều trị, chúng ta còn tụt hậu nhiều mặt. Mà nghiên cứu cơ bản mới là vấn đề cốt lõi của y học. Không phải ngẫu nhiên mà hầu hết các giải Nobel Y học đều được trao cho những nhà khoa học trong lĩnh vực nghiên cứu cơ bản bởi những thành tựu từ các nghiên cứu này tạo tiền đề cho những đột phá trong y học. Chẳng hạn, điều trị ung thư hiện nay có phương pháp mới mà bác sĩ Nguyễn Chấn Hùng (nguyên Giám đốc Bệnh viện Ung bướu - PV) thường gọi là “điều trị nhắm trúng đích”, đưa thuốc đến tiêu diệt các tế bào ung thư nhưng không gây hại cho tế bào bình thường, thực chất cũng bắt nguồn từ các kết quả của nghiên cứu cơ bản.
Theo ông, chúng ta đầu tư cho nghiên cứu cơ bản đã đúng mức chưa?
- Ở nước ta, đầu tư cho nghiên cứu cơ bản mới được chú trọng trong thời gian gần đây với một số ít trường, viện và bệnh viện có những phòng thí nghiệm hiện đại. Tuy nhiên, cơ sở vật chất chỉ là một mặt của vấn đề. Nghiên cứu cơ bản còn đòi hỏi chất xám. Đội ngũ các nhà khoa học hiện nay đã thiếu lại càng thiếu do khiếm hụt đội ngũ kế cận. Rất hiếm các bác sĩ mới ra trường chịu làm việc trong phòng thí nghiệm và những chuyên ngành ít tiếp xúc với người bệnh. Thu nhập là một trong những lý do chính khiến phần lớn cán bộ ngành Y chọn lĩnh vực điều trị.
Thậm chí, ngay trong lĩnh vực điều trị, có những chuyên ngành cũng thiếu bác sĩ. Ví dụ, để một ca mổ được thành công, ngoài bác sĩ phẫu thuật, còn có sự tham gia của các bác sĩ khác, đặc biệt là bác sĩ gây mê. Vậy mà, sau ca mổ, bác sĩ phẫu thuật luôn được nhiều quyền lợi hơn. Do đó, trên thực tế, có rất ít sinh viên chịu theo ngành gây mê, huống hồ là nghiên cứu cơ bản. Bác sĩ mới ra trường bây giờ chẳng những không còn bị thất nghiệp mà còn có thể chọn chuyên ngành mình thích do bệnh viện tư xuất hiện ngày càng nhiều.
Vậy tại sao không tăng tốc đào tạo để tăng nguồn cung, thưa ông?
- Thực ra, trường chúng tôi đã tăng cung từ lâu. Tăng cung mà vẫn phải bảo đảm chất lượng đầu ra. Để vừa tăng cung vừa vẫn giữ chất lượng bác sĩ khi ra trường, có hai vấn đề phải giải quyết. Thứ nhất là cơ sở vật chất. Khoa Y, Đại học Y dược TP. Hồ Chí Minh, tiền thân là Đại học Y khoa Sài Gòn, chỉ đủ chỗ đào tạo khoảng 200 bác sĩ mỗi năm.
Từ nhiều năm nay, trường đã tăng gấp đôi số lượng đầu vào, chưa kể số học viên sau đại học và số sinh viên đào tạo theo nhu cầu địa phương. Được xây dựng vào thập niên 1960 nên cơ sở vật chất đã quá cũ, dù luôn được nâng cấp nhưng vẫn không đáp ứng được nhu cầu. Thứ hai là tình trạng thiếu hụt giảng viên, đặc biệt là giảng viên cho các bộ môn Y học cơ sở. Hằng năm, trường có khoảng 400-500 sinh viên tốt nghiệp nhưng để tuyển dụng được năm mười em ở lại trường làm công tác giảng dạy cũng đã rất khó, vì đa số bác sĩ đều muốn làm công tác điều trị, không chọn lĩnh vực nghiên cứu. Thế nên, dù rất nỗ lực nhưng việc tăng số lượng đào tạo cũng có hạn. Để giải quyết được hai vấn đề này cần phải có thời gian.
Cách nay mấy tháng, ngành Y tế đã tổ chức một hội nghị bàn về nguồn nhân lực y tế. Có ý kiến cho rằng nên mở thêm các trường Y khoa cũng như nâng cấp một số trường cao đẳng Y khoa lên hệ đại học. Ông suy nghĩ thế nào về đề xuất này?
- Mở thêm trường đại học mới hoặc nâng trường cao đẳng lên thành đại học đều nên làm, nhưng không nên vì mục tiêu số lượng. Phải có đủ cơ sở vật chất và nguồn nhân lực có chất lượng tương ứng. Nếu không, việc nâng cao đẳng lên thành đại học cũng giống như thay bình nhưng không đổi rượu! Cần nhớ rằng ngành Y liên quan mật thiết với sức khỏe và sinh mạng con người. Bác sĩ mà không giỏi sẽ trở thành sát nhân có giấy phép.
Thực tế có những lời phàn nàn rằng bác sĩ mới ra trường không “viết nổi toa thuốc”…
- Khi tôi còn là sinh viên, các thầy của tôi cũng nói như vậy. Thật ra, sinh viên của nước nào cũng vậy thôi, sau khi hoàn tất chương trình đại học Y khoa, đều chưa thể làm việc ngay được. Trường Y chỉ là nơi để tạo ra cái nền, trang bị cho các em kiến thức về y học và khoa học. Sau khi ra trường, trong quá trình làm việc, các bác sĩ tiếp tục học hỏi từ thực tế, từ các bậc đàn anh, qua các khóa đào tạo y khoa liên tục, sách vở và nhất là các trang web, nghĩa là phải tự đào tạo mình. Khi đã vào ngành Y, làm bác sĩ là phải chấp nhận làm sinh viên suốt đời.
Bận rộn với công tác quản lý, giảng dạy và điều trị, ông học vào lúc nào?
- Làm quản lý không có nghĩa là ôm hết việc vào mình. Mà có muốn ôm cũng ôm không nổi. Bên cạnh tôi còn có những cộng sự. Tôi chủ trương giao việc cho cộng sự, nhất là những bạn trẻ, còn mình chỉ đốc thúc và tham gia ý kiến khi cần thiết. Đó cũng là cách đào tạo đội ngũ kế tục khi về hưu. Về việc học, tôi thấy chưa khi nào học dễ như hiện nay. Ngày xưa chỉ có sách in, mất thì giờ tra cứu. Bây giờ chỉ cần biết tiếng Anh, vào Internet là có hàng ngàn, hàng vạn trang web nói về những vấn đề mà mình còn khúc mắc. Học kiểu này vừa đỡ mất thì giờ và nhiều khi rất lý thú.
Ông nhận xét thế nào về các học trò của mình?
- Điểm thi đầu vào trường Y rất cao. Vì vậy phần lớn sinh viên đều có vốn kiến thức rất tốt, nếu chịu khó thì chắc chắn sẽ trở thành những thầy thuốc giỏi. Nhờ chủ động học thêm các giáo trình y khoa tiếng Anh trên Internet từ thời sinh viên nên đã có những người sau khi tốt nghiệp ở trường này, sang Hoa Kỳ để thi lấy bằng tương đương. Có những trường hợp chỉ mất thêm một đến hai năm là đậu. Mới đây, có một trường hợp thi đậu vào một trường Y khá lớn ở Calirfonia, sau hai năm học đã được giữ lại làm giảng viên.
Đất lành chim đậu...
- Thế nên đừng vội trách “chim”. Khoảng 80% sinh viên của Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh là người ngoại tỉnh nhưng sau khi tốt nghiệp, hầu hết các em đều không về công tác tại địa phương. Một phần vì vấn đề thu nhập, một phần vì ở lại thành phố các em có điều kiện thuận lợi hơn nhằm phát huy khả năng, nâng cao tay nghề… để trở thành bác sĩ giỏi, thăng tiến trong nghề nghiệp.
Nước chảy chỗ trũng. Bác sĩ giỏi ở thành phố thì bệnh nhân ở nông thôn, vùng sâu vùng xa cũng đổ ra thành phố. Xem ra “bài toán quá tải” vẫn chưa có lời giải?
- Muốn nước không chảy chỗ trũng thì phải thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn và thành thị. Tôi nghĩ chẳng ai muốn đi xa quê hương, xa gia đình… Mấy năm trước, tôi có dịp đến thăm Trường đại học Songkla (Thái Lan) ở vùng giáp biên giới với Malaysia. Một giảng viên của trường đại học đó có mời tôi ghé thăm nhà riêng nằm trong khuôn viên trường. Cậu ấy cho biết cái villa mình đang ở là do trường cấp, còn lương thì được trả cao hơn những đồng nghiệp ở Bangkok. Khi tiếp xúc với ông hiệu trưởng, tôi có hỏi về vấn đề này thì được trả lời rằng nếu không đãi ngộ như vậy thì không thể tuyển được giảng viên vì họ sẽ về Bangkok hết.
Hiện nay, một số tỉnh đã có chế độ kích thích nhân tài bằng những khoản hỗ trợ vài chục triệu đồng, tùy theo từng địa phương, nhằm kéo chất xám về. Như đã nói, có những người ở lại thành phố để phát triển nghề nghiệp. Vì vậy, để thay đổi thực trạng này theo hướng tích cực, dứt khoát phải có vai trò của Nhà nước. Cũng như giáo dục, y tế là vấn đề an sinh xã hội. Các cơ sở y tế hiện nay không đồng bộ, nơi được đầu tư nhiều, nơi lại quá ít. Nếu được đầu tư đúng mức thì chất lượng điều trị sẽ tăng lên. Khi đó, không chỉ thu hút được nhân lực mà bệnh nhân cũng đến.
Cách nay ít lâu, tôi đến thăm Bệnh viện đa khoa của huyện Củ Chi. Tuy là bệnh viện khu vực với một ngàn giường nhưng cơ sở điều trị này thường xuyên quá tải. Trong khi đó vẫn có những bệnh viện ở thành phố còn khá nhiều giường trống. Sở dĩ Bệnh viện Củ Chi làm được như vậy là nhờ ban lãnh đạo đã mời các giáo sư giỏi về chuyển giao kỹ thuật cho đội ngũ y bác sĩ. Còn một yếu tố nữa dẫn đến tình trạng quá tải ở các bệnh viện là do… báo chí. Lâu lâu lại đưa tin chỗ này cứu sống được bệnh nhân đâm thủng tim, chỗ kia mổ được khối u mấy ký lô… Cứu sống bệnh nhân là điều đáng mừng, nhưng trong một chừng mực nào đấy thì việc đưa tin vô hình trung trở thành một dạng quảng cáo. Thế nên mới có tình trạng những người bệnh không quá nghiêm trọng nhưng vẫn tìm đến đúng địa chỉ điều trị được báo chí nêu, dẫn đến quá tải.
Được biết ông là chủ biên của Từ điển y học chăm sóc sức khỏe y học gia đình. Dường như cuốn sách này chẳng liên quan gì đến chuyên ngành giải phẫu bệnh và ung bướu mà ông theo đuổi mấy chục năm nay?
- Giáo trình giải phẫu bệnh chủ yếu tôi viết cho sinh viên. Việc tôi cùng các cộng sự làm cuốn từ điển vì có một thực tế là kiến thức y học của người dân không cao, nên nhiều khi bệnh nhẹ, có thể tự điều trị được nhưng họ vẫn đi khám bác sĩ, rất tốn kém. Cũng có khi vì không biết bệnh của mình nên bệnh nhân áp dụng phương pháp điều trị không đúng hoặc tìm đến không đúng bác sĩ điều trị. Chưa kể có những bác sĩ thiếu y đức, lợi dụng sự thiếu hiểu biết của bệnh nhân để trục lợi.
Ngược lại, nếu người bệnh biết rõ bệnh của mình thì những bác sĩ hám lợi không chỉ chùn tay, không dám làm bậy, mà bệnh nhân còn có thể hợp tác tốt với bác sĩ trong quá trình khám bệnh. Nhiều bác sĩ bây giờ rất lười động não, ỷ lại vào các phương tiện xét nghiệm. Nhiều khi chỉ hỏi qua quýt rồi viết giấy yêu cầu bệnh nhân đi xét nghiệm, thậm chí làm thêm những xét nghiệm không cần thiết. Thành ra, thay vì rút một chút xíu máu, thì bệnh nhân bị rút một ống máu. Sự biếng nhác của bác sĩ đã tạo thêm gánh nặng dồn lên vai bệnh nhân.
Có một chuyện xảy ra đã lâu mà tôi nhớ hoài. Bác sĩ trưởng khoa chẩn đoán hình ảnh ở một bệnh viện hoan hỉ báo cáo với ban giám đốc rằng trong tuần số ca làm kỹ thuật cao tăng vọt. Ngay lúc đó, giám đốc bệnh viện cũng là thầy của rất nhiều bác sĩ phân tích rằng đó không phải là tín hiệu vui, mà có thể là do các bác sĩ lâm sàng không chịu động não, nhờ máy móc làm giùm, khiến bệnh nhân tốn tiền.
Thực tế thì đã có những trường hợp bệnh nhân tử vong vì bác sĩ chẩn đoán sai. Cẩn tắc vô ưu. Có khi chính những sự cố đáng tiếc này khiến một số bác sĩ e ngại, “tặc lưỡi” ký giấy cho bệnh nhân đi xét nghiệm cho yên tâm?
- Trong ngành Y, không phải cứ lịch sự, tôn trọng, không nhũng nhiễu người bệnh là có y đức. Ngoài việc đối xử tử tế với người bệnh, người thầy thuốc còn phải đủ khả năng chữa trị cho người bệnh hay ít nhất là không làm hại người bệnh. Nói ngắn gọn là bác sĩ nếu chỉ có cái tâm thôi thì chưa đủ, mà còn phải có tài nữa. Muốn vậy thì phải học không ngừng. Lễ độ với bệnh nhân mà trị không hết thì cũng chẳng ích gì.
Nhưng cứ kêu gọi y đức suông thì e rằng “cũng chẳng ích gì”, thưa ông?
- Tôi tin rằng bất cứ ai vào ngành Y cũng đều có cái tâm. Suốt sáu năm học ở trường Y, dù không có những giờ học chính khóa nhưng đều có những hoạt động thay cho những bài học về y đức. Đó là buổi lễ tiếp lửa truyền thống đầu năm học nhằm nhắc nhở thế hệ đàn anh dìu dắt các đàn em; là những chuyến đi cứu trợ đồng bào bị thiên tai hoặc khám bệnh phát thuốc miễn phí cho đồng bào nghèo ở Cà Mau, Kiên Giang, Bình Phước…; là chiến dịch Mùa hè xanh, là lễ Macchabée được tổ chức đều đặn vào ngày 23 tháng Chạp hàng năm, nhằm giúp các em bày tỏ lòng tri ân với những người đã hiến xác cho sự nghiệp giáo dục và nghiên cứu khoa học.
Những hình ảnh đó chắc chắn sẽ khó phai trong tâm trí các em, nhắc nhở các em phải cư xử tốt đối với mọi người, đặc biệt là người bệnh. Hiện nay, nhà trường đã bổ sung thêm bộ môn Y đức - Xã hội học vào nội dung đào tạo. Từ năm học 2009-2010, tất cả sinh viên hệ đại học và sau đại học đều được học chính khóa về y đức.
Bản thân ông có những nguyên tắc nào để giữ gìn y đức?
- Tôi thường nói với học trò và các con tôi rằng hãy làm bất kỳ chuyện gì mình thích nhưng không làm hại đến người khác.
Tức là các con ông cũng nối nghiệp cha?
- Tôi có ba người con thì hai là bác sĩ. Còn con trai út thì đang học trung học. Nề nếp gia đình là nền móng để phát triển. Hai người con lớn của tôi đã lập gia đình. Dù rất bận rộn nhưng các thành viên trong gia đình tôi vẫn giữ thói quen ăn cơm chung. Khoảng thời gian quây quần quanh mâm cơm là lúc tôi trao đổi ý kiến và giáo dục con cái. Đó cũng là một hình thức để giữ nếp nhà.
Một câu hỏi cuối cùng. Khép lại một ngày làm việc mệt mỏi, ông làm gì để tìm lại sự cân bằng cho mình?
- Tôi nghĩ rằng cuộc sống của mình khá cân bằng. Trừ những trường hợp bất khả kháng, tôi có một nguyên tắc là không làm việc ngày thứ Bảy và Chủ nhật, dành thì giờ đưa vợ và con trai út của tôi đi chơi cùng một nhóm bạn thân. Vài ba tháng, chúng tôi lại tổ chức đi khám bệnh từ thiện một lần, địa điểm thường là các tỉnh miền Tây.
Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này.
- Theo Thượng Tùng (Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần)