Thursday, March 27, 2014

Y HUẤN CÁCH NGÔN - HẢI THƯỢNG LÃN ÔNG

1- Phàm người học thuốc, tất phải hiểu thấu lý luận đạo Nho, có thông lý luận đạo Nho thì học thuốc mới dễ. Khi có thời giờ nhàn rỗi, nên luôn luôn nghiên cứu các sách thuốc xưa nay. 
Luôn luôn phát huy biến hóa, thu nhập được vào Tâm, thấy rõ được ở mắt thì tự nhiên ứng vào việc làm mà không phạm sai lầm.
2- Được mời đi thăm bệnh : nên tùy bệnh cần kíp hay không mà sắp đặt đi thăm trước hay sau. Chớ nên vì giàu sang hoặc nghèo hèn mà nơi đến trước chỗ tới sau hoặc bốc thuốc lại phân biệt hơn kém khi lòng mình có chỗ không thành thật, thì khó mong thu được kết quả.
3- Khi xem bệnh cho phụ nữ, góa phụ, ni cô... cần phải có người nhà bên cạnh mới bước vào phòng để thăm bệnh để tránh hết sự nghi ngờ. Dù cho đến con hát, nhà thổ cũng vậy, phải đứng đắn coi họ như con nhà tử tế, không nên đùa cợt mà mang tiếng bất chính, sẽ bị hậu quả về tà dâm.
4- Phàm thầy thuốc nên nghĩ đến việc giúp đỡ người, không nên tự ý cầu vui như mang rượu lên núi, chơi bời ngắm cảnh, vắng nhà chốc lát, lỡ có bệnh cấp cứu làm cho người ta sốt ruột mong chờ, nguy hại đến tính mạng con người. Vậy cần biết nhiệm vụ mình là quan trọng như thế nào"
5- Phàm gặp phải chứng bệnh nguy cấp, muốn hết sức mình để cứu chữa, tuy đó là lòng tốt, nhưng phải nói rõ cho gia đình người bệnh biết trước rồi mới cho thuốc. Lại có khi phải cho không cả thuốc, như thế thì người ta sẽ biết cảm phục mình. Nếu không khỏi bệnh cũng không có sự oán trách và tự mình cũng không hổ thẹn.
6- Phàm chuẩn bị thuốc thì nên mua giá cao để được loại tốt. Theo sách Lôi Công để bào chế và bảo quản thuốc cho cẩn Thận. Hoặc theo đúng từng phương mà bào chế, hoặc tùy bệnh mà gia giảm. Khi lập ra phương mới, phải phỏng theo ý nghĩa của người xưa, không nên tự lập ra những phương bữa bãi để thử bệnh. Thuốc sắc và thuốc tán nên có đủ. Thuốc hoàn và thuốc đơn nên chế sẳn. Có như thế mới ứng dụng được kịp thời, khi gặp bệnh khỏi phải bó tay.
7- Khi gặp bạn đồng nghiệp, cần khiêm tốn, hòa nhã, giữ gìn thái độ kính cẩn, không nên khinh nhờn. Người lớn tuổi hơn mình thì kính trọng; người học giỏi thì coi như bậc thầy, người kiêu ngạo thì mình nhân nhượng; người kém mình thì dìu dắt họ. Giữ được lòng đức hậu như thế, sẽ đem lại nhiều hạnh phúc cho mình.
8- Khi đến xem bệnh ở những nhà nghèo túng hoặc những người mồ côi, góa bụa, hiếm hoi, càng nên chăm sóc đặc biệt. Vì những người giàu sang không lo không có người chữa, còn người nghèo hèn thì không đủ sức đón được thầy giỏi, vậy ta để tâm 1 chút họ sẽ được sống 1 đời. Còn như những người con thảo, vợ hiền, nghèo mà mắc bệnh, ngoài việc cho thuốc, lại còn tùy sức mình chu cấp cho họ nữa. Vì có thuốc mà không có ăn thì cũng vẫn đi đến chỗ chết. Cần phải cho họ được sống toàn diện mới đáng gọi là nhân thuật. Còn những kẻ vì chơi bời phóng đãng mà nghèo và mắc bệnh thì không đáng thương tiếc lắm.
9-Khi chữa cho ai khỏi bệnh rồi, chớ có mưu cầu quà cáp vì những người nhận của người khác cho thường hay sinh ra nể nang, huống chi đối với những kẻ giàu sang, tính khí bất thường mà mình cầu cạnh, thường hay bị khinh rẻ. Còn việc tâng bốc cho người ta để cầu lợi thường hay sinh chuyện. Cho nên nghề thuốc là thanh cao, ta càng giữ khí tiết cho trong sạch. Tôi xét lời dạy bảo của các bậc tiên hiền về lòng tử tế và đức hàm dục, rèn luyện cho mình rất chặt chẽ và đầy đủ. Đạo làm thuốc là 1 nhân thuật chuyên bảo vệ sinh mạng con người, phải lo cái lo của người và vui cái vui của người, chỉ lấy việc cứu sống mạng người làm nhiệm vụ của mình, không nên cầu lợi, kể công. Tuy không có sự báo ứng ngay nhưng để lại âm đức về sau. Phương ngôn có câu : "Ba đời làm thuốc có đức thì đời sau con cháu tất có người làm nên khanh tướng" đó phải chăng là do có công vun trồng từ trước chăng" Thường thấy người làm thuốc, hoặc nhân bệnh cha mẹ người ta ngặt nghèo hoặc bắt bí người ta lúc đêm tối, trời mưa, có bệnh nguy cấp : bệnh dễ chữa bảo là khó chữa, bệnh khó bảo là không trị được, giở lối quỷ quyệt đó để thỏa mãn yêu cầu, rắp tâm như thế là bất lương. Chữa cho nhà giàu thì tỏ tình sốt sắng, mong được lợi nhiều, chữa cho nhà nghèo thì ra ý lạnh nhạt, sống chết mặc bay. Than ôi! Đem nhân thuật làm chước dối lừa, đem lòng nhân đổi ra lòng mua bán, như thế thì người sống trách móc, người chết oán hờn không thể tha thứ được!". 

Saturday, March 22, 2014

BÀI GIẢNG Y HỌC CHỨNG CỨ (EBM): Ý NGHĨA CỦA TRỊ SỐ P (UNDERSTANDING P VALUE)



Khi đọc các tạp chí y học, chúng ta thường gặp giá trị P. Nhưng chưa chắc có nhiều người hiểu cặn kẽ về nó. Xin giới thiệu với mọi người bài giảng của GS. Nguyễn Văn Tuấn sẽ nói rõ ý nghĩa của trị số P trong nghiên cứu y khoa.

Monday, January 27, 2014

THỰC HÀNH LÂM SÀNG - ĐIỀU TIÊN QUYẾT ĐỂ TRỞ THÀNH BÁC SĨ

Trăm nghe không bằng một thấy, trăm thấy không bằng một làm. Dù đọc nhiều sách vở cũng không bằng thực hành một lần rồi xem lại y văn. Thực hành lâm sàng giúp sinh viên y khoa trau dồi kinh nghiệm, kiểm tra lại kiến thức trong sách vở, rèn luyện kỹ năng. Bộ não người làm việc theo hình ảnh, và hình ảnh bệnh nhân sẽ khắc sâu vào tâm trí giúp ích rất nhiều trong quyết định chẩn đoán của người bác sĩ sau này. 
Hãy bám sát lâm sàng! Đó là điều mà các sinh viên y khoa khi ngồi trên giảng đường hay đi bệnh phòng luôn nghe những người Thầy - Bác sĩ nhắc nhở. Qua thời gian, người thầy thuốc tương lai sẽ tích luỹ được nhiều hình ảnh lâm sàng, gọi cách khác là kinh nghiệm lâm sàng hay nhạy bén lâm sàng.
Mỗi người trong bệnh viện đều có những điều hay đáng cho chúng ta học hỏi. Đừng để sự ngạo mạn làm chúng ta bỏ qua những kinh nghiệm quý của nhân viên y khoa. Họ là những chị hộ lý, anh chị điều dưỡng và đặc biệt là những bác sĩ. Hãy quan sát và hỏi mọi người, dù sau câu hỏi có thể là những lời khó nghe. Nhưng lòng chân thành và tính cần mẫn của sinh viên dần dà sẽ cảm hoá người bác sĩ. Khi họ đã mở lòng thì hãy tiếp tục "tấn công" để cố gắng học hỏi những kinh nghiệm. Nên biết lịch trực của bác sĩ mình muốn học hỏi để cùng trực với họ, một đêm trực sẽ học được nhiều điều hay. Thiên tài Isaac Newton đã từng nói: “Nếu tôi nhìn thấy được xa hơn bởi vì tôi đứng trên vai những người khổng lồ”. Hãy học kinh nghiệm hay của nhiều bác sĩ, quan trọng nhất là cách họ khám, cách khai thác triệu chứng, cách đưa ra chẩn đoán và chỉ định xét nghiệm, cuối cùng là nghệ thuật điều trị. Chúng ta nên học cả kỹ năng giao tiếp với bệnh nhân và người nhà. Tuy nhiên, chúng ta học có chọn lọc, cần tránh sự tiêm nhiễm vào bộ não sinh viên cách đối xử hách dịch của bác sĩ, điều dưỡng. Hãy yêu thương bệnh nhân bằng cả tấm lòng chứ đừng dừng lại ở nghĩa vụ. Đừng để họ phải lấy làm khó chịu dù chỉ chút ít thoáng qua. Đó là lời tôi khuyên các bạn. 




Bác sĩ A Di

Sunday, January 5, 2014

PHỎNG VẤN GS. CARPENTIER - NHÀ PHẪU THUẬT TIM NỔI TIẾNG THỂ GIỚI

GS Carpentier là cha đẻ của kỹ thuật mổ van hai lá hiện đại. Giáo sư đã hỗ trợ 2/3 kinh phí để thành lập Viện Tim, giúp đỡ đặc biệt về trang thiết bị chuyên môn và đào tạo cán bộ phẫu thuật tim, với sự hỗ trợ tích cực của Sở Y tế Paris. Xin được giới thiệu mọi người bài phỏng vấn giáo sư. 


GS Carpentier đã hỗ trợ rất nhiều trong việc thành lập Viện Tim (Tp. HCM) 

_ Thành công?
_ Tôi không thích từ thành công; bởi lẽ, con người sống trên trái đất này không phải để thành đạt cho cá nhân mình mà để phục vụ người khác. Điều khiến tôi quan tâm là thúc đẩy khoa học tiến bộ và cách thức phục vụ người.
_ Trong thực tế, ta có thể hư hỏng, song hãy hư hỏng một mình mà thôi, đừng trở thành gương mù cho người khác.
-Lời thề HIPPOCRATE kết thúc bằng câu ; ‘’ Nếu tôi giữ lời thề của tôi , không bao giờ vi phạm , tôi sẽ hạnh phúc trong cuộc sống và nghề nghiệp , và mãi mãi được tôn vinh giữa nhân loại . Thế nhưng nếu tôi vi phạm lời thề và dối trá , bất hạnh sẽ đến vời tôi ‘’, có phải đó chính là thiên chức của nghề y?
- Tôi nghĩ rằng nghề y cũng là một nghề danh dự , các thầy thuốc là những con người danh dự như những hiệp sĩ ngày xưa . Nếu nghề y không phục vụ một cách vô vị lợi , không loại bỏ sự tha hoá thì đó chỉ còn là một sự bất hạnh ,sự khinh bỉ .
-Có lý tưởng không , trong điều kiện vật chất , lương bổng còn thiếu thốn?
-Đó là lý do mà tôi đến đây , tôi thăm dò giá cả chi phí mổ tim , rồi tôi bảo với giáo sư DƯƠNG QUANG TRUNG, nguyên giám đốc sở y tế TPHCM, người đã nêu ý thành lập một viện tim , rằng mổ tim là tốn kém đấy, phải thu chi phí mổ , và phải trả lương cao cho nhân viên, sao cho họ không thể có cơ hội hoặc vin cớ đó để tha hoá. Chúng tôi cũng bảo họ: nầy nhé, sau 5 giờ chiều, các bạn có thể đi kiếm thêm. Phải cho họ đủ sống, bằng không chính chúng ta phải có lỗi .
- Nếu như đã đủ hoặc dư sống rồi mà vẩn còn.... thì sao /
-Trường hợp đó thì không thể chấp nhận được .


Nguồn Ycantho.com

BÁC SĨ KHÔNG PHẢI CỖ MÁY ĐIỀU TRỊ

Bác sĩ không phải hằng ngày vào bệnh viện chỉ để khám, hỏi bệnh qua loa rồi ghi y lệnh để điều dưỡng thực hiện. Người bệnh ngoài thuốc, phẫu thuật cần sự chia sẻ, quan tâm và những lời động viên ân cần của thầy thuốc. Tâm lý bệnh nhân an ổn góp phần rất lớn vào thành công đợt điều trị.

Friday, January 3, 2014

SUY TIM PHÂN SUẤT TỐNG MÁU BẢO TỒN: CẬP NHẬT CHẨN ĐOÁN VÀ ĐIỀU TRỊ






I.               GIỚI THIỆU
Suy tim, một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, là con đường chung của hầu hết các bệnh tim mạch. Theo thống kê năm 2013 của Hiệp hội Tim Hoa Kỳ (AHA), năm 2009 suy tim có 56410 trường hợp tử vong, ước tính khoảng 5,1 triệu người Mỹ trên 20 tuổi bị suy tim (2,1% dân số) và từ năm 2013 đến 2030, dự đoán tỉ lệ lưu hành suy tim sẽ tăng 25%(1). Ở Việt Nam, chưa có số liệu thống kê về bệnh suất và tử suất của suy tim.
Trong hai thập kỷ qua, một số lượng lớn bệnh nhân suy tim phân suất tống máu bảo tồn (heart failure with preserved ejection fraction – HFpEF) đã ít được xem xét. Những nghiên cứu dịch tễ học cho thấy có đến 50%  bệnh nhân có triệu chứng suy tim với phân suất tống máu bình thường hay được bảo tồn. Và HFpEF ngày càng được cộng đồng tim mạch công nhận rộng rãi(2). Bệnh nhân với HFpEF có xu hướng gặp ở người già, tăng huyết áp, rung nhĩ, ít gặp hơn ở bệnh nhân có bệnh mạch vành(3, 4), nhưng bệnh mạch vành là nguyên nhân nền chủ yếu của HFpEF, đặc biệt là ở nam(3). Nhìn chung, nữ gặp nhiều hơn nam, với tỉ lệ 2:1. Về điều trị, trong khi các tiến bộ gần đây đã cải thiện kết quả ở bệnh nhân suy tim giảm phân suất tống máu (heart failure with reduced ejection fraction – HFrEF), thì dường như chưa thấy hiệu quả đối với HFpEF. Do đó, HFpEF đã tạo ra những thách thức cho thầy thuốc lâm sàng trong chẩn đoán và điều trị. Tỉ lệ lưu hành HFpEF (dự kiến tăng 1% mỗi năm) tăng tương xứng HFrEF đã làm tăng nhu cầu thông tin để đánh giá, chẩn đoán và điều trị(3).
II.        MỘT SỐ KHÁI NIỆM
1.         Khác biệt giữa HFpEF, suy tim tâm trương và rối loạn chức năng tâm trương
Rối loạn chức năng tâm trương nói đến bất thường về chức năng cơ học của cơ tim, bao gồm: giảm độ đàn hồi thất trái, thư giãn chậm hay không hoàn toàn thất trái và suy giảm đổ đầy thất trái. Còn suy tim tâm trương là hội chứng lâm sàng có các triệu chứng và dấu hiệu suy tim, kèm phân suất tống máu thất trái được bảo tồn (LVEF≥45-50%) và bằng chứng có rối loạn chức năng tâm trương. Hầu hết các bệnh nhân HFpEF đều có bất thường chức năng tâm trương. Nhưng rối loạn chức năng tâm trương không phải là cơ chế duy nhất của HFpEF. Những nghiên cứu gần đây cho thấy một số bất thường khác ở tim và ngoài tim đóng vai trò quan trọng trong sinh lý bệnh của HFpEF(2, 3).
2.         Phân biệt giữa HFpEF và HFrEF
Hai loại HFpEF và HFrEF là hai hội chứng trong phân loại suy tim, trên lâm sàng đều có dấu hiệu và triệu chứng điển hình của suy tim. HFrEF có phân suất tống máu thất trái (left ventricular ejection fraction) giảm. Còn HFpEF có phân suất tống máu thất trái bình thường hay giảm nhẹ, thất trái không dãn. Thêm nữa, HFpEF liên quan đến các bệnh về cấu trúc tim (phì đại thất trái, dãn nhĩ trái) có kèm hoặc không kèm rối loạn chức năng tâm trương(4, 5). Trong một nghiên cứu phân tích gộp từ 31 nghiên cứu với 41792 bệnh nhân, cho thấy rằng, bệnh nhân với HFpEF có tỉ lệ tử vong thấp hơn so với bệnh nhân với HFrEF bất kể tuổi, giới tính và nguyên nhân suy tim(5).  
III.       CHẨN ĐOÁN
1.             Biểu hiện lâm sàng
            Suy tim nói chung đều có biểu hiện cơ năng gồm: khó thở, giảm sức chịu đựng khi gắng sức, khó thở khi nằm, khó thở kịch phát về đêm; các biểu hiện thực thể: nhịp tim nhanh, tĩnh mạch cổ nổi, tiếng T3, ran ở phổi, dịch chuyển tiếng đập mỏm tim, gan to và khó thở. Tiền sử tăng huyết áp, rung nhĩ phổ biến ở bệnh nhân HFpEF, trong khi bệnh mạch vành phổ biến ở bệnh nhân HFrEF. Khó thở khởi phát nhanh với tăng huyết áp rõ rệt, đặc biệt ở phụ nữ lớn tuổi, phổ biến hơn ở HFpEF.
2.             Cận lâm sàng
Điện tim nên được làm ở tất cả bệnh nhân nghi ngờ suy tim. Một số bất thường phổ biến ở bệnh nhân HFpEF là rung nhĩ, phì đại tâm thất và bất thường tâm nhĩ trái.
 X-quang ngực được làm thường quy để xác định tắc nghẽn mạch máu phổi và tim to. Dấu hiệu tắc nghẽn phổi gồm: tăng khoảng kẽ, đường Kerley B, tràn dịch màng phổi cho thấy có tăng áp tĩnh mạch phổi và tăng áp nhĩ trái. Bóng tim to ở bệnh nhân HFpEF phản ánh phì đại thất trái do quá tải áp suất lâu ngày. X-quang ngực cũng quan trọng để loại trừ chẩn đoán khác, như viêm phổi.
“Siêu âm tim là công cụ hữu ích nhất trong đánh giá bệnh nhân suy tim”, theo hướng dẫn của ACC/AHA. Trong siêu âm tim, khi phân suất tống máu thất trái lớn hơn 45-50% thì phù hợp với HFpEF.
Chỉ dấu sinh học peptid natri niệu BNP và N-terminal pro-BNP (NT-proBNP) là xét nghiệm hữu ích để chẩn đoán tăng áp lực đổ đầy tâm trương ở cả hai loại suy tim HFrEF và HFpEF. BNP và NT-proBNP nhạy trong HFrEF, chúng cũng tăng trong HFpEF mặc dù ít hơn. NT-proBNP dường như tốt hơn BNP ở bệnh nhân suy tim cấp có phân suất tống máu bảo tồn, bởi vì BNP có độ âm tính giả lên đến 20% ở bệnh nhân HFpEF và không tương quan với triệu chứng. BNP và NT-proBNP  giảm đáng kể ở bệnh nhân béo phì. BNP tăng theo tuổi và thường cao ở phụ nữ(2). NT-proBNP có giá trị >450pg/ml ở bệnh nhân <50 tuổi, >900pg/ml ở bệnh nhân >50 tuổi có độ nhạy và độ chuyên biệt cao ở bệnh nhân suy tim cấp tại khoa cấp cứu(6).
Các xét nghiệm thường quy gồm công thức máu toàn phần đánh giá thiếu máu, điện giải huyết thanh, creatinin, glucose, chức năng gan và tổng phân tích nước tiểu. Rối loạn chức năng thận và rối loạn điện giải (như Kali) thường gặp khi sử dụng các thuốc lợi tiểu, thuốc đối kháng hệ renin – angiotensin – aldosterol và digitalis trong điều trị suy tim.
Như vậy, điều kiện để chẩn đoán HFpEF gồm có: thứ nhất có dấu hiệu hoặc/và triệu chứng suy tim; thứ hai chức năng tâm thu thất trái bảo tồn (phân suất tống máu ≥45%-50%),  thứ ba có bằng chứng rối loạn chức năng tâm trương, tăng áp lực đổ đầy thất trái, hoặc dấu hiệu thay thế rối loạn chức năng tâm trương thất trái, như: phì đại thất trái, dãn nhĩ trái, rung nhĩ  hoặc tăng peptid natri niệu huyết tương(3).
IV.       ĐIỀU TRỊ
Điều trị HFpEF tập trung vào giảm các triệu chứng tắc nghẽn phổi và phù ngoại biên bằng cách cải thiện huyết động gây ra bởi tăng sức căng thành tâm thất. Điều này liên quan đến những bệnh nhân rung nhĩ nhịp nhanh và giảm tiền tải và hậu tải bằng cách điều trị tăng huyết áp và quá tải thể tích. Mục tiêu khác là giảm tỉ lệ tử vong.
            Giảm tiền tải với lợi tiểu và dãn mạch là trụ cột điều trị nhằm giảm các triệu chứng sung huyết, bao gồm khó thở và phù ngoại biên.
1.     Dãn mạch là trị liệu đầu tay ở hầu hết bệnh nhân HFpEF cấp tính
Nitrat tiêm tĩnh mạch kết hợp furosemide có thể cải thiện cung lượng tim và triệu chứng suy tim. Nitroglycerin làm giảm các triệu chứng phù phổi cấp bằng cách giảm tiền tải và dãn mạch ở các bệnh nhân có bệnh tim thiếu máu cục bộ. Nitroglycerin đường dùng tốt nhất là tiêm mạch. Ban đầu tốc độ truyền 10mcg/phút có thể tăng đến 300mcg/phút để đạt được hiệu quả mong muốn. Khi huyết áp tâm thu dưới 90mmHg thì không nên tăng liều. Nitroglycerin cũng có thể dùng đường uống hoặc hít. Các thuốc dãn mạch làm giảm hậu tải và việc giảm thể tích nhát bóp gần như chắc chắn do giảm thể tích tâm trương thất trái. Các hiện tượng này liên quan đến sự cứng tâm thất – động mạch trong HFpEF (một cơ chế mới được tìm hiểu gần đây). Cần cẩn trọng khi tiêm thuốc dãn mạch cho bệnh nhân HFpEF cấp tính không có huyết áp tăng.
2.              Lợi tiểu quai (furosemide, bumetanide, torsemide) là thuốc lợi tiểu được dùng phổ biến nhất trong điều trị HFpEF
Liều nên điều chỉnh theo đáp ứng lợi tiểu và để giảm các triệu chứng sung huyết. Thiazide hoặc spironolactone có thể kết hợp với furosemide liều thấp cũng có thể tăng hiệu quả lợi tiểu mạnh mẽ. Liều dùng lợi tiểu cho bệnh nhân sung huyết nhẹ và mới khởi phát HFpEF thấp hơn nhiều so với bệnh nhân có HFpEF mãn tính hay rối loạn chức năng thận. Cũng cần lưu ý điều chỉnh liều thuốc lợi tiểu khi độ lộc cầu thận giảm. Nhiều bệnh nhân với HFpEF cấp tính tăng thể tích tuần hoàn không đáng kể. Thật vậy, nâng áp suất làm đầy hay tiền tải không phải lúc nào cũng tăng thể tích tuần hoàn và những bệnh nhân với HFpEF thường có thể tích thất trái cuối thì tâm trương bình thường hoặc thấp. Vì vậy, việc dùng lợi tiểu tích cực ở những bệnh nhân này có thể gây hạ huyết áp đáng kể.
3.     Điều trị tăng huyết áp lâu dài
Tăng huyết áp làm trầm trọng thêm độ cứng và thư giãn cơ tim thông qua cơ chế tăng hậu tải và căng thành cơ tim. Tăng huyết áp cấp tính cũng làm trầm trọng thêm tính thư giãn cơ tim và tăng áp suất làm đầy dẫn đến triệu chứng sung huyết. Nó cũng góp phần làm tái cấu trúc và phì đại cơ tim thông qua kích hoạt neurohormon bao gồm hệ renin–angiotensin–aldosteron. Việc lựa chọn thuốc chống tăng huyết áp tùy thuộc vào bệnh kèm theo. Thuốc chẹn thụ thể angiotensin (ARBs) làm giảm chỉ số khối thất trái lớn nhất so với các thuốc hạ áp khác. Tuy nhiên, các thử nghiệm lâm sàng không cho thấy lợi ích giảm tử suất rõ ràng của ARBs so với các thuốc hạ áp khác, mặc dù ARBs dường như làm giảm tỷ lệ nhập viện ở bệnh nhân suy tim. Trong thử nghiệm CHARM-Preserved, candesartan có một tác động trung bình trong phòng ngừa nhập viện ở bệnh nhân suy tim có phân suất tống máu thất trái trên 40%(7). Trong nghiên cứu PARAMOUNT, ở bệnh nhân HFpEF, thuốc LCZ696 (dual-acting angiotensin receptor-neprilysin inhibitor) làm giảm NT-proBNP mức độ lớn hơn valsartan ở tuần 12 và cũng dung nạp tốt(8).
4.     Kiểm soát nhịp tim và tần số tim
Ở bệnh nhân HFpEF kèm rung nhĩ, việc khôi phục lại nhịp tim bình thường và duy trì nhịp xoang giúp cải thiện triệu chứng, nhưng kết quả không rõ ràng(3). Hầu hết các trường hợp HFpEF có rung nhĩ, kiểm soát tần số tim là một chiến lược ban đầu hợp lý và được thực hiện bằng các thuốc chẹn nút nhĩ thất, như thuốc chẹn kênh calci nondihydropyridine (diltiazem hay verapamil) và chẹn beta. Tiêu chuẩn trong kiểm soát tần số tim tùy theo độ tuổi nhưng thường là nhịp thất từ 60-80 lần/phút lúc nghỉ và 90-115 lần/phút lúc luyện tập. Sốc điện ngay lập tức khi không thể kiểm soát kịp thời bằng thuốc trong các trường hợp rung nhĩ mới khởi phát và thiếu máu cục bộ cơ tim, có triệu chứng hạ huyết áp, triệu chứng sung huyết phổi hay đáp ứng thất nhanh (3). Nói chung, bệnh nhân HFpEF thường xuyên gặp nhiều yếu tố nguy cơ nghẽn mạch huyết khối. Và dù chiến lược kiểm soát tần số tim và nhịp tim được chấp nhận, kháng đông vẫn được khuyến nghị. Cô lập tĩnh mạch phổi và bong tách rung nhĩ là kỹ thuật hứa hẹn làm giảm sự xuất hiện rung nhĩ ở bệnh nhân suy tim.
5.     Các thuốc làm tăng co bóp cơ tim không được chỉ định trong HFpEF
Ở những bệnh nhân ngoại trú có suy tim tâm trương từ nhẹ đến trung bình với nhịp xoang bình thường có dùng thuốc ức chế men chuyển và thuốc lợi tiểu, sử dụng digoxin không liên quan đến bất kỳ hiệu quả nào trong tử suất tim mạch hay suy tim(9).
Hiện tại chưa có bằng chứng lâm sàng cho thấy việc sử dụng các thuốc ức chế men chuyển, ức chế thụ thể angiotensin, chẹn beta và đối kháng aldosteron làm cải thiện tử suất và bệnh suất ở HFpEF. Điều trị thuốc đối với HFpEF tập trung vào giảm nhẹ triệu chứng, kiểm soát huyết áp và kiểm soát tần số tim.
Yếu tố làm nặng hơn trong suy tim mất bù tương tự nhau giữa HFpEF và HFrEF, bao gồm: không cân nhắc chế độ ăn, dùng thuốc kháng viêm non-steroid, loạn nhịp tim (đặc biệt là rung nhĩ), tăng huyết áp, thiếu máu hay nhồi máu cơ tim, chức năng thận suy giảm, bệnh van tim, lạm dụng rượu và nhiễm trùng.
Bệnh nhân nên theo dõi cân nặng bản thân hằng ngày, chú ý sự tăng cân đột ngột. Theo Dietary Guideline for Americans 2010, khuyến cáo ở bệnh nhân tăng huyết áp, suy thận mạn, đái tháo đường, người trên 51 tuổi nên hạn chế lượng muối ăn khoảng 3,8g/ngày. Tập thể dục điều độ, hợp lý rất tốt cho tim mạch. Các bằng chứng gần đây cho thấy cấu trúc tim và áp suất đổ đầy có thể tăng bằng cách tập thể dục.
Yếu tố nguy cơ tử vong ở HFpEF gần như tương tự HFrEF, bao gồm tuổi tác ngày càng tăng, nồng độ peptid natri niệu, bệnh mạch vành, đái tháo đường, suy chức thận mạn, bệnh mạch vành, phân độ suy tim theo NYHA cao,  giới tính nam và mô hình làm đầy giới hạn (restrictive filling pattern) trên siêu âm tim Doppler. BMI thấp quá hay cao quá cũng là yếu tố nguy cơ tăng tỷ lệ tử vong ở bệnh nhân HFpEF.
Để phòng ngừa sự trầm trọng hơn trong suy tim, thầy thuốc nên giáo dục bệnh nhân nhận ra các dấu hiệu giữ nước như tăng cân, phù chân và cảm giác đầy bụng. Thầy thuốc cũng nên nhấn mạnh với bệnh nhân tầm quan trọng của chế độ ăn giảm muối và sự tuân thủ điều trị, đặc biệt là điều trị tăng huyết áp.
Những bệnh nhân HFpEF nên xem xét nhập viện là: huyết động học không ổn định, tình trạng suy hô hấp cấp, có các bệnh kèm theo (suy thận cấp, loạn nhịp tim, rối loạn điện giải nặng, bằng chứng thiếu máu cục bộ cơ tim), bệnh nhân kém tuân thủ điều trị hay tình trạng bệnh nhân xấu đi khi đang điều trị ngoại trú. 
TÀI LIỆU THAM KHẢO