Tuesday, April 22, 2014

TÔN TRỌNG SỰ THẬT

Hôm nay bình bệnh án với Thầy trưởng khoa ICU có nhiều điều cần học hỏi từ Thầy. Một bạn y5 trình bệnh án nhồi máu cơ tim, nhưng không khai thác đầy đủ bệnh sử của bệnh nhân  nên đã chế  bệnh sử nhồi máu cơ tim y như sách vở. Mà chúng ta biết rằng mỗi bệnh nhân có một bệnh cảnh riêng nên Thầy đọc vào là biết chế. Thầy không la rày, chỉ khuyên nhẹ nhàng sâu sắc: bác sĩ nói những gì chắc chắn, không chắc mà nói có thể sai và làm bệnh nhân hoang mang. Thầy hỏi thời gian thực tập lâm sàng tim mạch là bao nhiêu? Thầy bảo thế ít quá không đủ. Thầy khuyên nên thực hành nhiều không nên lý thuyết suông. Thật là bổ ích và thấm thía.

Thursday, April 17, 2014

BÁC SĨ PHẢI CÓ CÁI NHÌN TỔNG QUÁT

Đứng trước một ca bệnh, người bác sĩ phải suy xét và đưa ra cái nhìn tổng quát, đầy đủ các vấn đề của bệnh nhân. Không dựa vào một xét nghiệm hay một triệu chứng mà đưa ra chẩn đoán hay loại trừ chẩn đoán, trừ khi đó là tiêu chuẩn vàng. Điều cần lưu ý là việc chuyên khoa hóa giúp bác sĩ điều trị hiệu quả hơn tuy nhiên đừng cực đoan chỉ nghĩ cho chuyên khoa của mình. Luôn nhớ rằng bệnh nhân là con người chứ không chỉ là một bệnh.

Thursday, March 27, 2014

Y HUẤN CÁCH NGÔN - HẢI THƯỢNG LÃN ÔNG

1- Phàm người học thuốc, tất phải hiểu thấu lý luận đạo Nho, có thông lý luận đạo Nho thì học thuốc mới dễ. Khi có thời giờ nhàn rỗi, nên luôn luôn nghiên cứu các sách thuốc xưa nay. 
Luôn luôn phát huy biến hóa, thu nhập được vào Tâm, thấy rõ được ở mắt thì tự nhiên ứng vào việc làm mà không phạm sai lầm.
2- Được mời đi thăm bệnh : nên tùy bệnh cần kíp hay không mà sắp đặt đi thăm trước hay sau. Chớ nên vì giàu sang hoặc nghèo hèn mà nơi đến trước chỗ tới sau hoặc bốc thuốc lại phân biệt hơn kém khi lòng mình có chỗ không thành thật, thì khó mong thu được kết quả.
3- Khi xem bệnh cho phụ nữ, góa phụ, ni cô... cần phải có người nhà bên cạnh mới bước vào phòng để thăm bệnh để tránh hết sự nghi ngờ. Dù cho đến con hát, nhà thổ cũng vậy, phải đứng đắn coi họ như con nhà tử tế, không nên đùa cợt mà mang tiếng bất chính, sẽ bị hậu quả về tà dâm.
4- Phàm thầy thuốc nên nghĩ đến việc giúp đỡ người, không nên tự ý cầu vui như mang rượu lên núi, chơi bời ngắm cảnh, vắng nhà chốc lát, lỡ có bệnh cấp cứu làm cho người ta sốt ruột mong chờ, nguy hại đến tính mạng con người. Vậy cần biết nhiệm vụ mình là quan trọng như thế nào"
5- Phàm gặp phải chứng bệnh nguy cấp, muốn hết sức mình để cứu chữa, tuy đó là lòng tốt, nhưng phải nói rõ cho gia đình người bệnh biết trước rồi mới cho thuốc. Lại có khi phải cho không cả thuốc, như thế thì người ta sẽ biết cảm phục mình. Nếu không khỏi bệnh cũng không có sự oán trách và tự mình cũng không hổ thẹn.
6- Phàm chuẩn bị thuốc thì nên mua giá cao để được loại tốt. Theo sách Lôi Công để bào chế và bảo quản thuốc cho cẩn Thận. Hoặc theo đúng từng phương mà bào chế, hoặc tùy bệnh mà gia giảm. Khi lập ra phương mới, phải phỏng theo ý nghĩa của người xưa, không nên tự lập ra những phương bữa bãi để thử bệnh. Thuốc sắc và thuốc tán nên có đủ. Thuốc hoàn và thuốc đơn nên chế sẳn. Có như thế mới ứng dụng được kịp thời, khi gặp bệnh khỏi phải bó tay.
7- Khi gặp bạn đồng nghiệp, cần khiêm tốn, hòa nhã, giữ gìn thái độ kính cẩn, không nên khinh nhờn. Người lớn tuổi hơn mình thì kính trọng; người học giỏi thì coi như bậc thầy, người kiêu ngạo thì mình nhân nhượng; người kém mình thì dìu dắt họ. Giữ được lòng đức hậu như thế, sẽ đem lại nhiều hạnh phúc cho mình.
8- Khi đến xem bệnh ở những nhà nghèo túng hoặc những người mồ côi, góa bụa, hiếm hoi, càng nên chăm sóc đặc biệt. Vì những người giàu sang không lo không có người chữa, còn người nghèo hèn thì không đủ sức đón được thầy giỏi, vậy ta để tâm 1 chút họ sẽ được sống 1 đời. Còn như những người con thảo, vợ hiền, nghèo mà mắc bệnh, ngoài việc cho thuốc, lại còn tùy sức mình chu cấp cho họ nữa. Vì có thuốc mà không có ăn thì cũng vẫn đi đến chỗ chết. Cần phải cho họ được sống toàn diện mới đáng gọi là nhân thuật. Còn những kẻ vì chơi bời phóng đãng mà nghèo và mắc bệnh thì không đáng thương tiếc lắm.
9-Khi chữa cho ai khỏi bệnh rồi, chớ có mưu cầu quà cáp vì những người nhận của người khác cho thường hay sinh ra nể nang, huống chi đối với những kẻ giàu sang, tính khí bất thường mà mình cầu cạnh, thường hay bị khinh rẻ. Còn việc tâng bốc cho người ta để cầu lợi thường hay sinh chuyện. Cho nên nghề thuốc là thanh cao, ta càng giữ khí tiết cho trong sạch. Tôi xét lời dạy bảo của các bậc tiên hiền về lòng tử tế và đức hàm dục, rèn luyện cho mình rất chặt chẽ và đầy đủ. Đạo làm thuốc là 1 nhân thuật chuyên bảo vệ sinh mạng con người, phải lo cái lo của người và vui cái vui của người, chỉ lấy việc cứu sống mạng người làm nhiệm vụ của mình, không nên cầu lợi, kể công. Tuy không có sự báo ứng ngay nhưng để lại âm đức về sau. Phương ngôn có câu : "Ba đời làm thuốc có đức thì đời sau con cháu tất có người làm nên khanh tướng" đó phải chăng là do có công vun trồng từ trước chăng" Thường thấy người làm thuốc, hoặc nhân bệnh cha mẹ người ta ngặt nghèo hoặc bắt bí người ta lúc đêm tối, trời mưa, có bệnh nguy cấp : bệnh dễ chữa bảo là khó chữa, bệnh khó bảo là không trị được, giở lối quỷ quyệt đó để thỏa mãn yêu cầu, rắp tâm như thế là bất lương. Chữa cho nhà giàu thì tỏ tình sốt sắng, mong được lợi nhiều, chữa cho nhà nghèo thì ra ý lạnh nhạt, sống chết mặc bay. Than ôi! Đem nhân thuật làm chước dối lừa, đem lòng nhân đổi ra lòng mua bán, như thế thì người sống trách móc, người chết oán hờn không thể tha thứ được!". 

Saturday, March 22, 2014

BÀI GIẢNG Y HỌC CHỨNG CỨ (EBM): Ý NGHĨA CỦA TRỊ SỐ P (UNDERSTANDING P VALUE)



Khi đọc các tạp chí y học, chúng ta thường gặp giá trị P. Nhưng chưa chắc có nhiều người hiểu cặn kẽ về nó. Xin giới thiệu với mọi người bài giảng của GS. Nguyễn Văn Tuấn sẽ nói rõ ý nghĩa của trị số P trong nghiên cứu y khoa.

Monday, January 27, 2014

THỰC HÀNH LÂM SÀNG - ĐIỀU TIÊN QUYẾT ĐỂ TRỞ THÀNH BÁC SĨ

Trăm nghe không bằng một thấy, trăm thấy không bằng một làm. Dù đọc nhiều sách vở cũng không bằng thực hành một lần rồi xem lại y văn. Thực hành lâm sàng giúp sinh viên y khoa trau dồi kinh nghiệm, kiểm tra lại kiến thức trong sách vở, rèn luyện kỹ năng. Bộ não người làm việc theo hình ảnh, và hình ảnh bệnh nhân sẽ khắc sâu vào tâm trí giúp ích rất nhiều trong quyết định chẩn đoán của người bác sĩ sau này. 
Hãy bám sát lâm sàng! Đó là điều mà các sinh viên y khoa khi ngồi trên giảng đường hay đi bệnh phòng luôn nghe những người Thầy - Bác sĩ nhắc nhở. Qua thời gian, người thầy thuốc tương lai sẽ tích luỹ được nhiều hình ảnh lâm sàng, gọi cách khác là kinh nghiệm lâm sàng hay nhạy bén lâm sàng.
Mỗi người trong bệnh viện đều có những điều hay đáng cho chúng ta học hỏi. Đừng để sự ngạo mạn làm chúng ta bỏ qua những kinh nghiệm quý của nhân viên y khoa. Họ là những chị hộ lý, anh chị điều dưỡng và đặc biệt là những bác sĩ. Hãy quan sát và hỏi mọi người, dù sau câu hỏi có thể là những lời khó nghe. Nhưng lòng chân thành và tính cần mẫn của sinh viên dần dà sẽ cảm hoá người bác sĩ. Khi họ đã mở lòng thì hãy tiếp tục "tấn công" để cố gắng học hỏi những kinh nghiệm. Nên biết lịch trực của bác sĩ mình muốn học hỏi để cùng trực với họ, một đêm trực sẽ học được nhiều điều hay. Thiên tài Isaac Newton đã từng nói: “Nếu tôi nhìn thấy được xa hơn bởi vì tôi đứng trên vai những người khổng lồ”. Hãy học kinh nghiệm hay của nhiều bác sĩ, quan trọng nhất là cách họ khám, cách khai thác triệu chứng, cách đưa ra chẩn đoán và chỉ định xét nghiệm, cuối cùng là nghệ thuật điều trị. Chúng ta nên học cả kỹ năng giao tiếp với bệnh nhân và người nhà. Tuy nhiên, chúng ta học có chọn lọc, cần tránh sự tiêm nhiễm vào bộ não sinh viên cách đối xử hách dịch của bác sĩ, điều dưỡng. Hãy yêu thương bệnh nhân bằng cả tấm lòng chứ đừng dừng lại ở nghĩa vụ. Đừng để họ phải lấy làm khó chịu dù chỉ chút ít thoáng qua. Đó là lời tôi khuyên các bạn. 




Bác sĩ A Di

Sunday, January 5, 2014

PHỎNG VẤN GS. CARPENTIER - NHÀ PHẪU THUẬT TIM NỔI TIẾNG THỂ GIỚI

GS Carpentier là cha đẻ của kỹ thuật mổ van hai lá hiện đại. Giáo sư đã hỗ trợ 2/3 kinh phí để thành lập Viện Tim, giúp đỡ đặc biệt về trang thiết bị chuyên môn và đào tạo cán bộ phẫu thuật tim, với sự hỗ trợ tích cực của Sở Y tế Paris. Xin được giới thiệu mọi người bài phỏng vấn giáo sư. 


GS Carpentier đã hỗ trợ rất nhiều trong việc thành lập Viện Tim (Tp. HCM) 

_ Thành công?
_ Tôi không thích từ thành công; bởi lẽ, con người sống trên trái đất này không phải để thành đạt cho cá nhân mình mà để phục vụ người khác. Điều khiến tôi quan tâm là thúc đẩy khoa học tiến bộ và cách thức phục vụ người.
_ Trong thực tế, ta có thể hư hỏng, song hãy hư hỏng một mình mà thôi, đừng trở thành gương mù cho người khác.
-Lời thề HIPPOCRATE kết thúc bằng câu ; ‘’ Nếu tôi giữ lời thề của tôi , không bao giờ vi phạm , tôi sẽ hạnh phúc trong cuộc sống và nghề nghiệp , và mãi mãi được tôn vinh giữa nhân loại . Thế nhưng nếu tôi vi phạm lời thề và dối trá , bất hạnh sẽ đến vời tôi ‘’, có phải đó chính là thiên chức của nghề y?
- Tôi nghĩ rằng nghề y cũng là một nghề danh dự , các thầy thuốc là những con người danh dự như những hiệp sĩ ngày xưa . Nếu nghề y không phục vụ một cách vô vị lợi , không loại bỏ sự tha hoá thì đó chỉ còn là một sự bất hạnh ,sự khinh bỉ .
-Có lý tưởng không , trong điều kiện vật chất , lương bổng còn thiếu thốn?
-Đó là lý do mà tôi đến đây , tôi thăm dò giá cả chi phí mổ tim , rồi tôi bảo với giáo sư DƯƠNG QUANG TRUNG, nguyên giám đốc sở y tế TPHCM, người đã nêu ý thành lập một viện tim , rằng mổ tim là tốn kém đấy, phải thu chi phí mổ , và phải trả lương cao cho nhân viên, sao cho họ không thể có cơ hội hoặc vin cớ đó để tha hoá. Chúng tôi cũng bảo họ: nầy nhé, sau 5 giờ chiều, các bạn có thể đi kiếm thêm. Phải cho họ đủ sống, bằng không chính chúng ta phải có lỗi .
- Nếu như đã đủ hoặc dư sống rồi mà vẩn còn.... thì sao /
-Trường hợp đó thì không thể chấp nhận được .


Nguồn Ycantho.com