Wednesday, September 3, 2014

MEDSCAPE - ỨNG DỤNG Y KHOA OFFLINE TỐT NHẤT

Y khoa có hàng tá thứ phải nhớ, khi đi lâm sàng không thể nào chúng ta đem theo tất cả sách để xem. Nhất là bệnh học và các thuốc, nào là tác dụng phụ, chống chỉ định, liều lượng. 
Và Medscape là một giải pháp!
Medscape là một ứng dụng y học trên cả tuyệt vời dành cho Android, iOS ( iPhone, iPod Touch, iPad), với kho dữ liệu đồ sộ hơn 4000 loại bệnh thuộc 34 chuyên khoa, hơn 8000 loại thuốc, hơn 500 quy trình lâm sàng và cận lâm sàng, các bài báo cập nhật hàng ngày từ tập đoàn Y học Medscape,.... đặc biệt là hoàn toàn miễn phí và có thể tra cứu Offline. 
Medscape rất hữu ích cho các sinh viên y khoa và cả Bác sĩ lâm sàng.
Các bạn có thể tải miễn phí bằng chiếc smartphone hay tablet (máy tính bảng) của mình, trên ios hoặc android:








ĐIÊU TRỊ SUY TIM TỐI ƯU

Xin giới thiệu đến mọi người bài giảng điều trị suy tim của Tiến sĩ Y khoa Daniel D Borgeson. Đây là một bài giảng điều trị suy tim đầy đủ, toàn diện và có tính ứng dụng lâm sàng cao. 


Link tải: http://www.oni.vn/VNFrh


Tuesday, September 2, 2014

NHÌN LẠI TRƯỜNG Y KHOA ĐẠI HỌC SÀI GÒN VỚI GS PHẠM BIỂU TÂM

NGHIÊM ĐẠO ĐẠI
Nguyên Giáo sư Giải phẫu ĐH MCP / Hahneman / Drexel
Pittsburgh, PA.

      Khoảng đầu tháng 12, 2013, nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Thầy Phạm Biểu Tâm, anh Ngô Thế Vinh có nhã ý gửi cho tôi đọc bản thảo “Tìm lại thời gian đã mất: Tưởng nhớ Giáo sư Phạm Biểu Tâm”, từ lúc đó anh Vinh đi tới quyết định phụ giúp anh chủ bút Tập San Y Sĩ trong số báo chủ đề “Trường Y khoa Đại học Sài gòn với Giáo sư Phạm Biểu Tâm”. 
      Bài viết này nói lên kỷ niệm những năm theo học Thầy tại bệnh viện Bình Dân và Trường Y, cùng ghi chép lại thành quả gặt hái của Y khoa Đại học Sài Gòn dưới thời Thầy Phạm Biểu Tâm.

THÂN THẾ, GIA ĐÌNH SỰ NGHIỆP
      Thầy sinh ngày 13 tháng 12 năm 1913 tại làng Nam Trung, Phú Vang, Thừa Thiên trong một gia đình khoa bảng. Thầy thi vào trường Y Dược Hà Nội năm 1932. Sau 15 năm dùi mài y học, Thầy trình luận án “Sự Du nhập của Y học Tây Phương vào Viễn Đông – Introduction de la Médecine Occidentale  en Extrême Orient”, nói lên sự quan trọng của Tây Y trong các nước chỉ biết y học cổ truyền. Trong 8 năm nội trú, Thầy đã lĩnh hội được các tinh túy của giải phẫu toàn khoa, tiết niệu, tiểu nhi, ung thư, chỉnh hình, lồng ngực… sau này trở thành các bộ môn riêng biệt.
      Năm 1948 ở tuổi 35, Thầy được cử sang Pháp tu nghiệp và trúng tuyển Thạc sĩ Y khoa (Professeur Agrégé des Universités) tại Paris. Thầy trở về nước giảng dạy tại Đại học Y Dược Hà Nội, kiêm nhiệm chức giám đốc bệnh viện Yersin (nhà thương Phủ Doãn), cùng đảm trách chức vụ phó giám đốc trường Quân Y Việt Nam mới được thành lập với cấp bậc y sĩ Trung tá.
      Sau khi hiệp định Genève chia đôi đất nước năm 1954, Thầy và gia đình cùng một triệu người di cư vào miền Nam tìm tự do. Để đáp ứng với làn sóng người tỵ nạn, bệnh viện Bình Dân (tên Thầy đặt cho bệnh viện) được xây cất bởi các nhà hảo tâm dẫn đầu bởi bác sĩ Trần Hàm Nghiệp. Bệnh viện được đặt dưới quyền trường Y Dược Nha khoa và tiếp nhận những nhân viên di cư từ bệnh viện Phủ Doãn.
      Ngày 11 tháng 5 năm 1955, Thầy được đề cử làm Khoa trưởng trường Y Dược Đại học Sài Gòn. Các giáo sư người Pháp cũng bắt đầu rời khỏi Việt Nam.
      Ngày 31 tháng 7 năm 1967, Thầy từ nhiệm chức vụ Khoa trưởng để trở lại chức vụ trưởng khu Giải phẫu B, sau khi hoàn tất và đặt nền móng cho một Trung tâm Giáo dục Y khoa tối tân và một ban giảng huấn hùng mạnh.
      Năm 1975 Thầy kẹt lại Sài Gòn và tiếp tục dìu dắt, đào tạo nhiều thế hệ y sĩ trẻ tới khi về hưu năm 1984. Năm 1989, Thầy định cư với gia đình tại Tustin, California, Hoa Kỳ.  Thầy mất ngày 11 tháng 12 năm 1999, hưởng thọ 86 tuổi.

PHONG CÁCH, TRÁCH NHIỆM VÀ GIẢNG DẠY
     Thầy sống một cuộc đời bình dị và thanh bạch. Thầy có dáng người nhỏ nhắn, nhanh nhẹn. Nét mặt đăm chiêu khắc khổ với đôi mắt sáng ngời. Quanh năm suốt tháng hình như Thầy chỉ mặc một bộ đồ xám thẫm, một cái sơ mi ngắn tay với cái cà vạt thắt nút nhỏ. Thầy ít nói, nhưng khi bắt chuyện rồi, Thầy cho ta cảm giác rất gần, cởi mở. Tôi chưa nghe Thầy lên tiếng với ai song cách trách cứ nhỏ nhẹ thấm thía cũng đủ làm người đối thoại ngột ngạt và nhớ đời. 
      Trên cương vị lãnh đạo trường Y, Thầy làm việc có công tâm, nghiêm túc và nhân hậu. Khi tôi lên năm thứ nhất thì nghe nói Thầy quyết tâm chống lại áp lực để cho cô Ngô Đình Lệ Thủy, cháu gái của Tổng Thống Ngô Đình Diệm vào học lớp PCB vì cô không đủ điểm trong kỳ thi tuyển. Năm năm sau, nghe nói trong một kỳ thi ra trường, Thầy nghiêm nghị hỏi một anh sinh viên: “Hôm qua có cô X tới thưa chuyện với tôi rằng anh đã có liên hệ mật thiết với cô ta rất lâu, nay khi cô ta có bầu thì anh lại thay đổi ý kiến. Bây giờ anh tính làm sao? Anh phải nhớ rằng người bác sĩ luôn luôn đứng đắn, từ bi và tha nhân. Anh nghĩ có nên tiếp tục làm bác sĩ không? Anh sinh viên xanh mặt. Sau đó nghe nói anh kết duyên cùng cô bạn đó và hai người sống với nhau rất hạnh phúc. 
      Cũng như năm xưa (1948) khi người sinh viên thi clinic cuối cùng ra khỏi phòng thì cô thư ký của Thầy bước vào báo tin là phòng mổ trên lầu đã sắp sẵn chỉ còn chờ Thầy mà thôi. Thầy rón rén đứng dậy, nhăn mặt rồi trèo cầu thang lên lầu. Cô thư ký cho mọi người biết là Thầy có triệu chứng đau ruột dư từ mấy hôm trước nhưng Thầy quyết định chấm thi xong rồi mới lo chuyện của Thầy, vì “các anh ấy phải biết kết quả sớm để lo liệu trước”. Tôi được biết sau đó là Thầy bị abcès appendiculaire và phải nằm bệnh viện rất lâu vì ruột dư đã bể vì Thầy chờ quá lâu. Tôi không bao giờ quên được câu chuyện này. 
      Ngược lại, đối với người bệnh thì Thầy không bao giờ chần chờ  phút nào và để tên bệnh nhân trên bảng mổ ngay khi có bằng chứng chụp hình quang tuyến X. Thầy hay giải phẫu cắt bao tử (gastrectromie à la Polya hay Billroth II), 5 - 6 ca một tuần. Thầy mổ rất đẹp và nhanh. Tính sơ trong 29 năm (1955-1984) Thầy đã giải phẫu cho khoảng 7500 bệnh nhân ung loét bao tử, một kinh nghiệm khó có được. Trong suốt bao nhiêu năm học và làm tại bệnh viện Bình Dân, tôi chưa bao giờ gặp biến chứng xì tá tràng (duodenal stump leak) rất nguy hiểm cho tính mạng bệnh nhân cho đến khi tu nghiệp và dạy học ở ngoại quốc. Trong khi giải phẫu, Thầy bàn nhiều về cách thức giải quyết một chỗ mổ “dính và khó” một cách an toàn bằng cách “ăn cháo nóng húp quanh”. 
      Sau nửa năm làm nội trú với Thầy, có lúc tôi tự hỏi “không biết đến bao giờ Thầy mới để mình mổ một mình”, vì trong bất kỳ một phẫu thuật nào, lớn hay nhỏ, Thầy đều làm từ đầu đến cuối: từ lúc trải khăn mổ, rạch da, đến khi mổ, đóng thành bụng, băng vết mổ, đẩy bệnh nhân ra phòng hồi sức, viết protocole opératoire rất tỉ mỉ, và đọc lại cho mọi người nghe để ôn lại những gì đã làm trong cuộc giải phẫu. Có biết đâu là Thầy đã nhiếp tâm truyền nghề cho mình từ lâu rồi, ngày này sang ngày khác, tháng này qua tháng khác. Một hôm, thay vì lên phòng mổ khoảng 11 giờ (hàng ngày tôi thường mổ một  hay hai trường hợp nhỏ như sa ruột, lấy túi mật trước khi phụ mổ Thầy) thì Thầy gọi điện thoại lên nói là Thầy bận có khách, cứ mổ đi đừng có chờ Thầy. Như một con chim có đủ lông cánh, tôi cất cánh ngay. Tôi mổ, và rất tự nhiên vô tư giảng giải cho người phụ mổ từ cách đi đứng, cách tiếp đưa dây cột, cách cột dây làm sao cho đẹp cho đúng. Nửa chừng khi thấy chị Vân tiếp viên dụng cụ ra hiệu, tôi nhìn ngang và thấy Thầy đứng ngay sau lưng tôi từ lúc nào không biết, gật gù với ánh mắt hài lòng. Mổ xong tôi tự động chuyển bệnh, đẩy giường bệnh ra phòng hồi sức làm tiếp nhiệm vụ. Cho đến nay 40 năm sau, tôi vẫn giữ thói quen đó. Tôi đã thấm nhập những điều dậy dỗ của “lò Bình Dân”. Quả như vậy, sau khi vào ban giảng huấn Đại học Iowa bảy năm, trường Medical College of Pennsylvania / Hahneman / Drexel Pittsburgh gần 3 thập niên, tôi đã cảm nhận được là mình có phước rất lớn được học những tinh túy của các Thầy ở bệnh viện Bình Dân. Các Thầy đã trao cho tôi một hành trang đầy đủ để xử dụng trong suốt cuộc đời đi dậy học. 
     Như để chứng minh sự hoàn hảo của giải phẫu hồi đó, trong Đại hội Y sĩ tại Orlando, Florida, Cô Phạm Biểu Tâm đã kể lại chuyện về Thầy đã mổ cho một ông Đại sứ Trung Hoa Dân quốc. Để bày tỏ lòng biết ơn, vị Đại sứ này đã tặng Thầy bức tranh “Hoa Đà mổ Quan Công” để vinh danh Thầy như một Hoa Đà tái thế, chứng tỏ Thầy “mát tay” như thế nào.  Cô cũng đã tặng lại cho Đại hội bức tranh này.   
      Thầy luôn luôn có mặt khi học trò gặp khó khăn. Một đêm trực tôi mổ cho một bà bệnh nhân gầy còm bị tắc ruột với triệu chứng đặc biệt của sa ruột qua lỗ bít (obturator hernia) mà tôi chỉ được biết qua sách vở mà thôi. Lúc đó khoảng một giờ sáng, tôi bí quá phải mời Thầy tới, theo lời yêu cầu của bác sĩ thường trú Nguyễn Quang Huấn, y sĩ khu giải phẫu ung thư thời đó. Chờ không tới 20 phút thì Thầy bước vào phòng mổ, hỏi vài câu rồi đi rửa tay, mặc áo và đeo găng. Thầy xem xét chỗ ruột sa và đồng ý với chẩn bệnh giải phẫu nhưng Thầy lại nói thêm “tôi chưa từng gặp trường hợp này bao giờ cả.” Hai Thầy trò bàn cãi về cách bít lỗ sa ruột. Thầy còn nói trước khi ra về “anh kiếm thêm sách báo xem người ta chữa làm sao và cho tôi biết nhé.” Sau cuộc tra cứu, bài tường trình đã được đăng trong báo Acta Medica Vietnamica năm 1970. Tôi vừa mới biết gần đây, tờ báo của trường Y khoa Sài Gòn này được sáng lập bởi Thầy năm 1957.

XÂY DỰNG TRUNG TÂM GIÁO DỤC Y KHOA SÀI GÒN
      Từ thuở đầu trường Đại học Y khoa được thành lập năm 1902 bởi chính quyền bảo hộ Pháp như là một chi nhánh Đông Dương của Đại học Y khoa Paris. Trường được các giáo sư danh tiếng như Alexandre Emil John Yersin, Pierre Huard… đảm trách. Cũng vì lẽ đó mà khi Viện trợ Mỹ được dưa vào Việt Nam sau năm 1954, Thầy và ban Giảng huấn trường Y khoa Đại học Sài Gòn cũng như AMA đã có những quyết định rất thận trọng, chỉ chấp nhận và làm những công tác tuyệt hảo mà thôi. 
      Trung Tâm Giáo Dục Y khoa được nghiên cứu bởi bác sĩ Robert Jason, khoa trưởng trường Đại học Howard ở District of Columbia năm 1957, dưới sự chỉ định của USAID. Trường được thiết kế bởi kiến trúc sư Ngô Viết Thụ, giải khôi nguyên Kiến trúc La Mã và cũng là người đã vẽ Dinh Độc lập tại Sài Gòn. Viên đá đầu tiên được đặt bởi Tổng thống Ngô Đình Diệm năm 1962, ngôi trường mới hoàn tất năm 1966. Trong kỷ nguyên mới này, Thầy và Hội đồng Khoa phải đương đầu với nhiều vấn đề liên quan tới các mục sau đây:

      CHUYỂN NGỮ
      Với sự bùng nổ của các môn sinh lý, sinh hoá và sinh học vào thập niên 1950-1960, các Đại học Y tại Hoa kỳ đã chuyển mình và đưa các bộ môn này vào Y học. Trong khi đó thì các nước ở Châu Âu, kìm hãm bởi Thế chiến, đã không theo kịp đà tiến triển, nên Anh ngữ tất nhiên trở thành sinh ngữ của khoa học và y học. Lại nữa vì tiếng Việt chưa đủ danh từ khoa học nên việc xử dụng Anh ngữ làm chuyển ngữ được chấp thuận. Với thư viện y khoa được xây cất và sách vở được cập nhật đầy đủ, y học bắt đầu được giảng dạy bằng Anh ngữ  từ năm 1965. Đến năm 1968, sinh viên Y khoa viết và thông thạo sinh ngữ này.

      QUY CHẾ ĐẠI HỌC
      Đây là vấn đề nan giải nhất vì có sự tranh chấp giữa các cá nhân tu nghiệp tại Hoa Kỳ, Pháp, Đức. Nói một cách đơn giản, trường Y lúc đó có ngạch giáo sư thực thụ, thường là giáo sư Thạc sĩ đỗ khoảng thập niên 1950-1960 và trình luận án khoảng 10-15 năm trước. Tiếp theo đó là giáo sư diễn giảng ra trường được khoảng từ 5 tới 10 năm.  Sau đó là giáo sư uỷ  nhiệm du học tại ngoại quốc và cuối cùng là giới giảng nghiệm viên ra trường trong nước hoặc chỉ có bằng tiến sĩ khoa học căn bản nhưng không phải là y sĩ. Tình trạng hồi đó nhá nhem nên có người chưa học hết chuyên môn đã được làm trưởng khu. 
      Quy chế này cũng không khác biệt mấy so với thể chế ngày nay tại Đại học Iowa, Medical College of Pennsylvania, Pittsburgh và Mayo Clinic. Thường các bác sĩ ra trường sau khi học chuyên môn (fellowship) được làm huấn luyện viên hay nghiệm chế viên (instructor hay assistant). Sau một năm thử lửa, người đó lên làm giáo sư uỷ nhiệm (assistant professor) và có thời gian từ 5 tới 7 năm để nhậm chức giảng sư (associate professor). Đương sự phải có nhiều khảo cứu trình bày tại các hội thảo quốc nội trong một thời gian từ 7 đến 10 năm mới được lên chức giáo sư. Chức vụ này đòi hỏi đương sự phải có danh tiếng trên trường quốc tế và được giới thiệu của 5 đến 7 vị giáo sư tại Hoa kỳ vả Gia Nã Đại gửi cho hội đồng khoa. Giáo sư thực thụ là mức cuối cùng của ngành giáo sư Y khoa Đại học. Hàng năm nhân viên giảng huấn phải có tối thiểu 5-10 bài khảo cứu y khoa được đăng tải. 
      Hồi đó một Hội đồng Qui chế tại Đại học Y khoa Sài Gòn đã được thiết lập để xét lại Quy chế, xong chưa bắt đầu làm việc thì biến cố 1975 xảy ra. 

      BAN GIẢNG HUẤN
      Đào tạo nhân viên giảng huấn là một công việc rất khó khăn và phức tạp. Thập niên 1960-1970 sôi động vì biến cố chính trị và khủng hoảng chiến tranh. Tất cả nam sinh viên ra trường đều bị trưng tập nên ban giảng huấn không đủ nhân lực. Trong thời kỳ này, không có một cuộc tuyển chọn nhân viên giảng huấn được tổ chức. Trong khi đó thì Bộ Y tế phải lo cho sức khoẻ dân chúng  và y tế phòng ngừa, cũng cần thêm người nhưng lại không có thực   lực nên không giúp được gì nhiều hơn. Tuy vậy các cố gắng của trường Y khoa và AMA cũng mang lại kết quả khả quan. Các môn khoa học căn bản như cơ thể học, sinh hoá, vi trùng và ký sinh trùng, bệnh lý học… Các bộ môn khoa học lâm sàng như sản phụ, nhi khoa… được sự cộng tác chặt chẽ của nhiều bộ môn danh tiếng tại Hoa Kỳ. Đặc biệt các bộ môn như gây mê, nội khoa, sản phụ khoa, nhi khoa, giải phẫu tổng quát, quang tuyến… đã gửi được nhiều nhân viên giảng huấn sang tu nghiệp tại Hoa Kỳ cùng cung cấp những chứng chỉ chuyên môn cho học viên. 
      Đã có 171 nhân viên giảng huấn danh tiếng  Hoa Kỳ từ các bộ môn đã nhiệt tâm góp sức xây dựng Trung Tâm Giáo Dục Y khoa, trong đó có 22 trưởng khu, 37 nhân viên dài hạn và 112 nhân viên làm việc ngắn hạn. Một trăm bốn mươi nhân viên giảng huấn trường Y khoa Sài Gòn đã sang tu nghiệp tại Hoa Kỳ.  Bẩy nhân viên giảng huấn trẻ tu nghiệp tại Mỹ về giữ chức vụ giáo sư uỷ nhiệm. Sau đó có thêm 6 vị đến từ các nước khác. Từ 1967 đến 1975, số nhân viên giảng huấn tăng từ 91 đến 195.

KẾT LUẬN
      Nhìn lại nền Y học Việt Nam trước và sau 1955 ta thấy một bước tiến lớn lao. Trong thời kỳ Pháp thuộc, số nhân viên giảng huấn đếm được trên đầu các ngón tay và y khoa chủ yếu dựa trên lâm sàng. Số bác sĩ ra trường khoảng 354 người tính theo số luận án đệ trình. Sau 1955 trường Y khoa Sài Gòn đã thay đổi hoàn toàn với gần 200 nhân viên giảng huấn và khoảng 2000 luận án được đệ trình. Y khoa được giảng dạy theo đà tiến triển y khoa quốc tế trong một trường sở đầy đủ tiện nghi. 
      Khác biệt này có được là nhờ Thầy Khoa trưởng Phạm Biểu Tâm mà ít ai để ý tới và vinh danh, vì Thầy làm nhiều và nói lại rất ít. Hồi trẻ Thầy thường ngâm câu thơ “trăm năm sau có cũng như không” nhưng Thầy đã để lại một di sản quý báu cho cả ngàn học trò cùng cả ngàn hậu duệ của họ để mang lại sức khỏe cho đồng bào. Một di sản đức độ áp dụng muôn đời cho mọi người.

NGHIÊM ĐẠO ĐẠI
Để tưởng nhớ Thầy
Westminster, 21/ 02/ 2014

Tài liệu tham khảo:
1/ Đào Hữu Anh: Y khoa Đại học Sài Gòn. Nhìn lại 60 năm lịch sử. Tập San Y Sĩ số 190,82, tháng 7-2011
2/ Phạm Tu Chính: Một chút gì để nhớ. Trường Đại học Y khoa Hà Nội-Sài Gòn (1902-1975), Tập San Y Sĩ số 200,13,tháng 1-2014
3/ Trường Y khoa Sài Gòn: ykhoasaigon.com ngày 10 tháng 12, 2014
4/ C.H. W. Ruhe, N.W. Hoover, I. Singer: Saigon Medical School. An Experiment in International Medical Education. An Account of the  AMA’s Medical Education Project in South Vietnam, 1966-1975. AMA  1988.

GS. ĐẶNG VĂN CHUNG – NHÀ NỘI KHOA HÀNG ĐẦU VIỆT NAM

“GS. Đặng Văn Chung là người thầy lớn, nhà sư phạm kiệt xuất, người thầy thuốc lâm sàng đại tài, giản dị, gần gũi, tận tụy và là tấm gương Y đức sáng ngời”, GS.TS. Ngô Quý Châu viết.
“GS. Đặng Văn Chung sinh năm 1913, tại thành phố Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp. Ông học tại Trường Trung học Chasseloup-Laubat, một trường ở Sài Gòn, nổi tiếng “kén học trò giỏi”. Năm 1933, ông thi đỗ vào trường Đại học Y Dược Đông Dương, năm 1937 thi đỗ kỳ thi tuyển bác sĩ nội trú, làm việc tại Bệnh viện Bạch Mai. Ông là một trong những bác sĩ tham gia xây dựng ngành y tế Việt nam từ những ngày đầu cách mạng như GS. Tôn Thất Tùng, GS. Đỗ Xuân Hợp, GS. Hồ Đắc Di, GS. Nguyễn Trinh Cơ,... Đến ngày toàn quốc kháng chiến bùng nổ (19-12-1946), các thầy đã cùng GS. Hồ Đắc Di lên xây dựng trường Y giữa núi rừng Việt Bắc, vừa duy trì việc dạy học cho các sinh viên, vừa phục vụ các đơn vị  bộ đội trên các chiến trường.


Năm 1954, Giáo sư Đặng Văn Chung được trao nhiệm vụ xây dựng bộ môn Nội trường Đại học Y Hà Nội - giảng dạy đào tạo các thế hệ thầy thuốc, tổng Khoa Nội bệnh viện Bạch Mai, trực tiếp khám chữa bệnh cho nhân dân. Giáo sư đã tự nguyện xin thôi chức Phó Hiệu trưởng trường Đại học Y Dược Hà Nội mà chỉ đảm nhiệm chức vụ Chủ nhiệm Bộ môn Nội trường Đại học Y Hà Nội, Tổng chủ nhiệm Khoa Nội Bệnh viện Bạch Mai, nhằm tập trung chuyên tâm vào việc đào tạo giảng dạy và khám chữa bệnh cho nhân dân.
0246fbe5b_gs_chung.jpg

GS Chung (đeo kính) trong một lần gặp Bác Hồ

Trong những năm chiến tranh phá hoại, GS. Đặng Văn Chung ở lại thành phố, chữa chạy cho những bệnh nhân nguy kịch ở Bệnh viện Bạch Mai và cấp cứu chiến thương, cùng góp sức với các cán bộ chiến sỹ và nhân dân thủ đô làm nên trận “Điện Biên Phủ trên không”.

GS. Đặng Văn Chung là một nhà sư phạm kiệt xuất. Tác phong sư phạm của Thầy không phải ở tính triết lý hay thuyết giáo mà ở ngay tính cách mẫu mực thị phạm trong công việc khám chữa bệnh hàng ngày cho bệnh nhân. Thầy dành thời gian hướng dẫn uốn nắn sinh viên, bác sĩ trẻ từ cách hỏi bệnh, thăm khám lâm sàng tỷ mỷ và có hệ thống như cách khám bụng, khám hạch, không bỏ qua bất kỳ một chi tiết nào có liên quan đến người bệnh, làm bệnh án, đến lập luận chẩn đoán, chỉ định các xét nghiệm và diễn giải kết quả xét nghiệm… giúp sinh viên không bị lệ thuộc quá nhiều vào lý thuyết, và thấy chính người bệnh mới là nguồn cung cấp các dữ kiện. Các bài giảng của Thầy bao giờ cũng rất sinh động, dễ hiểu và nhớ lâu.


Trong hoàn cảnh cực kỳ khó khăn và thiếu thốn của những năm 1970 của thế kỷ trước, GS. Đặng Văn Chung đã dành nhiều công sức và trí tuệ để viết 2 cuốn “Bệnh học Nội khoa”, “Điều trị học” cũng như hàng loạt tài liệu giảng dạy, công trình nghiên cứu khoa học có giá trị. Những phút ngớt bom rơi, ông ngồi sửa chữa, bổ sung bản thảo sách. Những cuốn sách này chứa đựng những kiến thức và kinh nghiệm lâm sàng cực kỳ quý giá, được coi như “sách gối đầu giường” của nhiều thế hệ sinh viên trường Đại học Y. Các cuốn sách đó vẫn được các thế hệ thày trò các bộ môn hệ nội cập nhật và sử dụng giảng dạy.

GS. Đặng Văn Chung đặc biệt quan tâm tới việc đào tạo các thế hệ cán bộ giảng dạy

Thầy luôn nhắc nhở phải đưa vào bài giảng những kinh nghiệm, sự say mê, sự đối xử công bằng đối với người bệnh. Thầy yêu cầu các cán bộ trẻ phải chuẩn bị bài giảng thật kỹ, phải giảng thử trước, rồi mới giảng thật ở trên bục giảng. Thầy luôn nhấn mạnh đào tạo ra một  bác sĩ kém là không tốt, nhưng nếu đào tạo ra một bác sĩ kiêm thầy giáo kém thì sự nguy hại còn tăng lên gấp 2, 3, 4 lần vì người thầy đó sẽ đào tạo ra những người thầy thuốc khác cũng kém cỏi và cứ như thế sự thiệt hại sẽ tăng lên không thể biết trước được.


GS. Đặng Văn Chung rất quan tâm đến đào tạo sau đại học. Sau ngày thống nhất đất nước năm 1975, GS. Đặng Văn Chung đã cùng các thầy cô lão thành: GS Phạm Khuê, Nguyễn Khánh Trạch, Trần Đức Thọ, Trần Ngọc Ân, Phạm Gia Khải, Vũ văn Đính... xây dựng chương trình, triển khai đào tạo BS. Nội trú, chuyên khoa cấp I, cấp II... Theo yêu cầu của Bộ Y Tế, GS. Đặng Văn Chung đã trực tiếp mở nhiều lớp đào tạo tập huấn cho các thày thuốc ở thành phố Hà Nội, Hồ Chí Minh và các tỉnh thành phố khác trên mọi miền đất nước.

4f5df9039_gs_chung_2.jpg

GS. Đặng Văn Chung còn là người thầy thuốc mẫu mực, là một tấm gương về tinh thần tận tụy hết lòng hết sức cố gắng chăm sóc cứu chữa người bệnh. Trong các bài giảng, lúc khám chữa bệnh, GS. Đặng Văn Chung luôn căn dặn, giảng giải cho sinh viên về đạo đức nghề nghiệp, và làm gương qua thái độ mẫu mực, tận tụy của với người bệnh.


Bệnh nhân dù giàu hay nghèo, người quen hay không Thầy vẫn nhiệt tình chu đáo, ân cần chữa trị. Không chỉ đơn thuần khám, chữa bệnh cho bệnh nhân mà GS. Đặng Văn Chung còn quan tâm đến hoàn cảnh khó khăn của người bệnh để có thể chia sẻ bớt phần nào mối lo toan của họ. GS. Đặng Văn Chung chính là người đã đề xuất: Sinh viên trường Y ra trường phải học thuộc lời thề Hippocrates để trau dồi Y đức.

Giáo sư Đặng Văn Chung là người có tầm nhìn xa, đã định hướng chọn lựa, đào tạo cán bộ, đặt nền móng xây dựng các chuyên khoa hệ nội thuộc bệnh viện Bạch Mai cũng như các bộ môn hệ nội thuộc trường Đại học Y Hà Nội... Ngày nay các đơn vị này đã lớn mạnh, trở thành các đơn vị chuyên khoa đầu ngành như Viện Tim mạch Việt Nam, trung tâm Chống độc, trung tâm Hô Hấp, trung tâm phục hồi chức năng, các khoa cấp cứu, hồi sức tích cực, Cơ xương khớp, Nội tiết, thận tiết niệu, tiêu hóa... cũng như các bộ môn Nội Tổng Hợp, Tim mạch, cấp cứu hồi sức, phục hồi chức năng... thuộc trường Đại học y Hà Nội. Các thế hệ học trò của Thầy đã và đang công tác ở khắp mọi miền tổ quốc, đảm nhận trọng trách trong nhiều lĩnh vực y tế, trong đó có nhiều người hiện là các Giáo sư, các chuyên gia đầu ngành, có đóng góp rất lớn vào sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe của nhân dân. Tất cả đều luôn tự hào được là học trò của Giáo sư Đặng Văn Chung.

Trải qua hơn 60 năm cống hiến, Giáo sư đã đảm nhiệm nhiều trách nhiệm, vị trí quan trọng trong ngành Y tế như khám chữa bệnh, bảo vệ sức khỏe cho các cán bộ cấp cao của Đảng, chính phủ, Phó Chủ tịch Hội đồng khoa học kỹ thuật của Bộ Y tế, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Y Hà Nội, Trưởng Bộ môn Nội, và Chủ nhiệm Khoa Nội Bệnh viện Bạch Mai. Lúc sinh thời, Giáo sư Đặng Văn Chung đã được Đảng, nhà nước tặng thưởng Huân chương độc lập hạng ba, Huân chương lao động Hạng Nhất, huân chương kháng chiến chống mỹ hạng nhất, danh hiệu Thầy thuốc nhân dân và nhà giáo nhân dân cùng nhiều phần thưởng cao quý khác.

GS. Đặng Văn Chung là một nhà lâm sàng học cực kỳ uyên bác. Chỉ bằng bàn tay và khối óc, qua hỏi bệnh, khám bệnh kỹ lưỡng phối hợp với những dụng cụ y học thô sơ, một số xét nghiệm thông thường, GS. Đặng Văn Chung đã chẩn đoán phát hiện nhiều loại bệnh khó mà ngày nay phải nhờ đến những phương tiện, xét nghiệm hiện đại cao cấp mới chẩn đoán được, ví dụ như bệnh hạ đường huyết do u tụy, cao huyết áp do u tủy thượng thận, bệnh đa u tủy xương...

Ngày 24/2/1999 GS. Đặng Văn Chung đã qua đời vì bệnh nan y, để  lại niềm tiếc thương khôn nguôi cho gia đình, các thế hệ học trò và người bệnh. Thầy được an táng tại Nghĩa trang Mai Dịch. Năm 2000, GS. Đặng Văn Chung được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về “Cụm công trình nghiên cứu nội khoa”.

Chúng ta có thể khẳng định rằng GS. Đặng Văn Chung đã có những cống hiến vô cùng to lớn, có ý nghĩa quan trọng trong sự nghiệp đào tạo thầy thuốc và chăm sóc sức khỏe nhân dân. GS. Đặng Văn Chung là người thầy lớn, nhà sư phạm kiệt xuất, người thầy thuốc lâm sàng đại tài, giản dị, gần gũi, tận tụy và là tấm gương Y đức sáng ngời”.

GS.TS. Ngô Quý Châu
 - Trưởng bộ môn Nội Tổng Hợp- Đại học Y Hà nội, Phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai​

GIÁO SƯ TÔN THẤT TÙNG – CÂY ĐẠI THỤ CỦA NGOẠI KHOA VIỆT NAM

Giáo sư Tôn Thất Tùng sinh ngày 10-5-1912 tại Thanh Hóa và lớn lên ở Huế - một miền đất có truyền thống hiếu học. Tận mắt chứng kiến cảnh yếu hèn của vua quan ở Huế, người thanh niên trẻ Tôn Thất Tùng không theo nghiệp học làm quan mà quyết định ra Hà Nội học ở trường Bưởi.
Năm 1932, ông học tại trường Y-Dược, một thành viên của Đại học Đông Dương, đóng tại Hà Nội với suy nghĩ đây là nghề “tự do”, không phụ thuộc vào quan lại hay chính quyền thực dân. Ngày ấy, cả Đông Dương chỉ có một trường thuốc duy nhất tại Hà Nội mà người bản xứ không được dự các kỳ thi nội trú. Từ năm 1935, Tôn Thất Tùng được tuyển cùng 10 sinh viên khác làm ngoại trú tại Bệnh viện Phủ Doãn. Anh sinh viên y khoa Tôn Thất Tùng là người đầu tiên đấu tranh buộc chính quyền thực dân phải tổ chức thi nội trú cho các bệnh viện Hà Nội. Năm 1935, anh là người duy nhất được nhận vào làm việc tại khoa ngoại của trường Y-Dược, tức là bệnh viện Việt - Đức hiện nay.


Trong điều kiện học tập khó khăn, các thầy giáo Pháp chủ yếu chú trọng kiến thức sách vở, ít liên hệ tới điều kiện khí hậu và con người bản xứ, trang thiết bị thiếu, lỗi thời, bác sĩ Tôn Thất Tùng đã phải tự đặt ra cho bản thân những nguyên tắc học tập và làm việc, coi công việc thực tiễn hàng ngày là quan trọng bậc nhất và là nguồn động lực đi vào con đường nghiên cứu khoa học.

Qua học tập, trao đổi với các đồng nghiệp, đặc biệt là khả năng quan sát, suy luận, bác sĩ Tôn Thất Tùng đã phát hiện trong gan của một người bệnh có hàng chục con giun chui ở các đường mật. Với một dụng cụ thô sơ, chỉ bằng một con dao nạo, ông đã phẫu tích kỹ lưỡng cơ cấu của lá gan. Bằng phương pháp này, trong suốt thời gian từ 1935 đến năm 1939, ông đã phẫu tích trên 200 lá gan của các tử thi để nghiên cứu các mạch máu. Rồi ông vẽ lại thành các sơ đồ, đối chiếu chúng với nhau để tìm ra những nét chung. Trên cơ sở đó, ông đã viết và bảo vệ thành công luận án tốt nghiệp bác sĩ y khoa với nhan đề “Cách phân chia mạch máu của gan”. Với bản luận án này, ông đã được tặng Huy chương Bạc của Trường Đại học Tổng hợp Paris (Trường Đại học Y-Dược tại Hà Nội lúc bấy giờ là một bộ phận). Bản luận án được đánh giá rất cao và trở thành tiền đề cho những công trình khoa học nổi tiếng của ông. Sau này, chính vì biết rõ các cơ mạch trong gan, vào những năm 1960, ông đã nghiên cứu thành công phương pháp “cắt gan có kế hoạch”. Đây là một phương pháp hoàn toàn mới và hiện đại, khác hẳn với những phương pháp trước đây. Vì trước đó, do chưa có mô tả chính xác các mạch máu trong gan nên người ta vẫn quen dùng phương pháp “cắt gan không có kế hoạch”. Ông cho rằng làm như vậy thì thật nguy hiểm, vì cắt xong nếu không đúng mạch, bệnh nhân có thể chết do chảy máu hoặc do hoại tử gan. Để ghi nhận công lao của người đầu tiên đã tìm ra phương pháp cắt gan này, người ta gọi là “Phương pháp mổ gan khô” hay “Phương pháp Tôn Thất Tùng”. Chính vì thế, giáo sư người Pháp nổi tiếng Malêghi trong báo “Lion phẫu thuật”, năm 1964 đã viết: “Trường Đại học Y khoa Hà Nội có thể tự hào đã có hai thành tựu trong lịch sử của mình, một là đã nghiên cứu lần đầu tiên về cơ cấu các mạch trong gan, hai là lần đầu tiên đã thành công trong việc cắt gan có kế hoạch”.

Cách mạng tháng Tám thành công, Tôn Thất Tùng là một trong những trí thức đầu tiên mang hết nhiệt tình xây dựng Trường Đại học Y khoa của nước Việt Nam DCCH.

Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bùng nổ, ông đã hăng hái đi theo tiếng gọi của Tổ quốc, của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cùng giáo sư, bác sĩ Hồ Đắc Di, ông đã góp nhiều công sức vào việc di chuyển và xây dựng Trường Đại học Y khoa qua nhiều địa điểm, là một trong những người chủ chốt đầu tiên đào tạo đội ngũ thầy thuốc, nghiên cứu khoa học và tổ chức lực lượng phục vụ kháng chiến. Cùng với giáo sư Đặng Văn Ngữ, ông đã góp phần vào việc nghiên cứu, sản xuất Penicilline phụ vụ thương bệnh binh. Năm 1947, ông được Chính phủ cử giữ chức Thứ trưởng Bộ Y tế. Suốt thời kỳ chống Mỹ cứu nước, ông đã cùng tập thể bác sĩ và nhân viên bệnh viện Việt - Đức tham gia cấp cứu cho thương bệnh binh.

Từ sau ngày hòa bình lập lại, để tập trung khả năng vào công tác khoa học - kỹ thuật, ông được cử làm Giám đốc bệnh viện hữu nghị Việt - Đức, chủ nhiệm bộ môn Ngoại trường Đại học Y khoa Hà Nội. Với tất cả tâm huyết của mình, giáo sư Tôn Thất Tùng đã cống hiến rất nhiều cho sự nghiệp đào tạo các thầy thuốc và chuyên gia giỏi về y học, cho việc xây dựng ngành phẫu thuật Việt Nam, cho công tác nghiên cứu  và phát triển ngành y học của nước ta.

Năm 1958, giáo sư tiến hành thành công ca mổ tim đầu tiên ở Việt Nam.

Năm 1959, giáo sư phát triển khoa mổ sọ não và khoa ngoại nhi.

Năm 1960, giáo sư là người đầu tiên đề xuất và áp dụng có kết quả xuất sắc việc mổ gan bằng phương pháp Việt Nam.

Năm 1965, giáo sư triển khai thành công việc mổ tim bằng máy tim phổi nhân tạo ở nước ta.

Giáo sư đã tham gia nhiều hội nghị khoa học quốc tế, được mời giảng bài ở nhiều trường đại học y khoa, được bầu làm viện sĩ Viện Hàn lâm Y học Liên Xô, Hội quốc gia những nhà phẫu thuật Cộng hòa Dân chủ Đức, Viện Hàn lâm Phẫu thuật Paris và Hội những nhà phẫu thuật Lion (Pháp), Hội quốc gia những nhà phẫu thuật Angiêri. Năm 1977, giáo sư được Viện Hàn lâm Phẫu thuật Paris tặng Huy chương phẫu thuật quốc tế mang tên Lannelongue. Đây là phần thưởng cao quý dành cho những nhà phẫu thuật xuất sắc thế giới được trao định kỳ 5 năm một lần. Ông vinh dự và xứng đáng là một trong 12 người trên thế giới và là người duy nhất ở Việt Nam được tặng huy chương ấy.
3ef5d2ab9_t2.jpg
Bên cạnh việc nâng cao mũi nhọn hiện đại của y học, giáo sư luôn quan tâm, nhắc nhở phải giải quyết tốt các công việc cấp cứu thông thường vì điều này liên quan trực tiếp đến tính mạng của người dân. Ngay từ năm 1959, giáo sư đã chủ trương cho thông báo trở lại tuyến dưới những ưu, khuyết điểm trong xử lý các trường hợp viêm ruột thừa, lồng ruột. Từ năm 1963, thông báo về các tai nạn lao động; năm 1965, về tai nạn chiến tranh và năm 1969, về các tai nạn giao thông... để các địa phương và cơ sở phòng tránh và cấp cứu kịp thời, có hiệu quả.

Là một giám đốc bệnh viện ngoại khoa lớn, giáo sư đã sớm chú ý đến việc lựa chọn, bồi dưỡng một lực lượng cán bộ ngoại khoa kế cận, tạo điều kiện cho lớp trẻ vươn lên. Các thế hệ học trò của ông lần lượt trưởng thành. Đó là các bác sĩ Đặng Hạnh Đệ, Tôn Thất Bách, Phạm Hoàng Phiệt, Đỗ Kim Sơn, Đỗ Đức Vân...

Suốt cuộc đời mình, giáo sư Tôn Thất Tùng gắn bó với bệnh viện, với các đồng nghiệp, các học trò và các bệnh nhân của mình. Làm việc không biết mệt mỏi cho đến tận cuối đời, ông đã để lại 123 công trình khoa học có giá trị. Với những công lao và cống hiến to lớn đối với đất nước, giáo sư Tôn Thất Tùng đã được tặng danh hiệu Anh hùng Lao động, hai lần Huân chương Lao động hạng Nhất, Huân chương chiến sĩ hạng Nhất, Huân chương kháng chiến hạng Ba và được truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh. Năm 2002, nhân kỷ niệm 90 năm ngày sinh của giáo sư, Bộ Y tế đã thành lập hội đồng xét tặng giải thưởng mang tên ông - Giải thưởng Tôn Thất Tùng.

31 năm đã qua kể từ ngày Giáo sư Tôn Thất Tùng đi vào cõi vĩnh hằng nhưng những người thầy thuốc Việt Nam, nhân dân Việt Nam và bạn bè thân thiết trên thế giới mãi mãi ghi nhớ hình ảnh giáo sư với cuộc đời trong sáng, một sự nghiệp vinh quang và những cống hiến to lớn đối với sự nghiệp bảo vệ sức khỏe cho nhân dân, cho nền y học Việt Nam và thế giới.


Nguồn: http://www.moh.gov.vn/province/pages/guongsangnganhy.aspx?ItemID=2

Saturday, May 31, 2014

GIÁO SƯ NGUYỄN NGỌC THẠCH - CHUYÊN GIA TIM MẠCH Ở MỸ


Giữa tháng 5, chuyến đi từ một rừng nhà chọc trời bằng bêtông cốt thép của TP Chicago (bang Illinois, nước Mỹ) dẫn tôi đến một ngôi nhà nhỏ nằm giữa rừng, cạnh những rặng thông cao vút và những gốc sồi già ở TP Michigan (bang Indiana).
 Và ở đó, một cuộc gặp với GS-TS Nguyễn Ngọc Thạch đã đưa tôi đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Không những là một chuyên gia về tim mạch học can thiệp, ông còn là một cây viết tinh tế trong cả tiếng Anh và tiếng Việt, một người yêu âm nhạc và say mê nghệ thuật, và hơn hết thảy là người khát khao được sáng tạo và cống hiến.
Những năm 80-90 của thế kỷ XX, thế giới bắt đầu có siêu âm. Phương pháp chẩn đoán tân kỳ này đã mở ra một hướng phát triển mới cho tim mạch học. Nắm bắt được cơ hội này, sang Mỹ học chuyên ngành tim mạch, gần 20 năm sau, GS-TS Nguyễn Ngọc Thạch đã trở thành một tên tuổi trong chuyên ngành này tại đây.
Hiện nay ông là Trưởng khoa Tim mạch, Bệnh viện St. Mary (thành phố Hobart, bang Indiana), đồng thời là thành viên Ủy ban quốc tế Trưởng môn tim mạch Hoa Kỳ, phụ trách các vấn đề ngoài nước Mỹ, đặc biệt là châu Á. Ông cũng có tên trong các cuốn sách "tự điển" nổi tiếng về các danh nhân "Ai là ai" trên thế giới (Who's Who in America, Who's Who in the World, Who's Who in Science and Engineering, Who's Who in Health Care and Medicine từ năm 2000-2006). Từ năm 1994, hàng năm, GS Thạch thường xuyên trở lại Việt Nam và Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan, Philippines, Malaysia, Myanmar... giúp các đồng nghiệp ở đây.
* Ông đã từng khẳng định, chìa khóa của sự thành công là ý tưởng mới, vậy những ý tưởng mới có thể tìm thấy ở đâu?
- Bắt đầu từ việc quan sát thực tế quanh ta, ghi nhận những điều thấy, những biến đổi theo dự đoán và ngoài dự đoán. Từ đó tìm hiểu quy luật của những hiện tượng thông thường và nguyên cớ của những bất thường. Khi xem lại bản thảo cuốn sách của mình, điều quan trọng là xem xét có ý tưởng nào mới không, có khác biệt so với quan niệm đang tồn tại không. Từ đó, đặt câu hỏi, nếu những phương pháp điều trị hiện tại không đúng đắn hay vẫn còn nhược điểm, cách điều trị nào sẽ là tiêu chuẩn thay thế trong tương lai?
Nhà tim mạch học lớn nhất nước Mỹ - GS Eugene Braunwald, Đại học Harvard - đã nói: "Khi nào có ý tưởng mới thì phải ghi ra ngay". Nhiều khi đang lái xe trên xa lộ, dừng xe là nguy hiểm, nhưng ông ta cũng đã nhiều lần tấp xe vào lề, ghi lại những ý nghĩ chợt lóe lên trong đầu. Bạn có thể tham khảo nhận định này của nhà bác học Albert Einstein: "Trí tưởng tượng lớn hơn kiến thức. Kiến thức thì mỗi người chỉ có thể biết đến một giới hạn nào đó, ỷ lại vào đó mà không thường xuyên cập nhật sẽ bị lỗi thời. Trong khi óc tưởng tượng luôn hướng đến tương lai".
Trong y khoa, những ý tưởng mới bắt nguồn từ thực tế lâm sàng khi chăm sóc bệnh nhân. Có những ý tưởng mới, bạn dẫn đường cho người khác. Còn nếu không, bạn chỉ là kẻ lẽo đẽo theo sau. Tôi thấy các bạn trẻ Việtcó nhiều ý tưởng khá thú vị khi đọc các diễn đàn thảo luận trực tuyến hay qua các tờ báo mạng.Nam
* Ông hãy cho các bạn trẻ Việt một lời khuyên, khi có ý tưởng mới, đâu sẽ là bước có thể biến được ý tưởng thành hiện thực?Nam
- Khi có ý tưởng mới, bạn có thể chia sẻ nó với một người bạn thân thiết để mổ xẻ vấn đề một cách khách quan, tỉnh táo. Dùng internet, việc thảo luận ẩn danh cũng là một điều hữu ích.
Người thứ hai mà bạn có thể chia sẻ ý tưởng của mình là thầy giáo của bạn. Có thể cả thầy lẫn bạn đều cho ý kiến sai, nhưng những chất vấn và phản biện có tính xây dựng sẽ hoàn thiện các ý tưởng mới của bạn. Vì sao họ phản đối những ý tưởng của mình. Từ đó, chúng ta có thể hiểu thêm thấu đáo về tư duy của mình.
Nếu chưa "tâm phục khẩu phục", hãy mang những thắc mắc này hỏi những chuyên gia diễn giảng trong các hội thảo khoa học. Ở Mỹ, có một điều rất đáng học hỏi, đó là việc không bao giờ từ chối lắng nghe bất cứ ý kiến nào, dù người nói có thể rất trẻ, không giỏi hay thậm chí ít học. Bởi ý tưởng mới của con người đều có thể không phụ thuộc vào hoàn cảnh nói trên. Nền y học Mỹ dung nạp rất nhiều người xuất phát từ nhiều chuyên ngành khác nhau như âm nhạc, kiến trúc, hay các môn khoa học xã hội khác. Tính đa dạng về tư tưởng đã làm cho y học Mỹ phát triển vượt bậc, cũng như nhiều ngành học khác ở Mỹ.
Khi áp dụng ý tưởng mới vào thực tiễn, hãy thử ở quy mô nhỏ trước, chúng ta có thể dừng lại khi có những kết quả không mong muốn. Tranh thủ sự giúp đỡ của thầy cô giáo và bạn bè khi cần. Nếu lần đầu thất bại, hãy tiếp tục lần thứ hai. Quan sát các dự án của một vài người khác xem họ giải quyết vấn đề như thế nào, hỏi ý kiến bạn bè, đối thủ hay các chuyên gia từ các hội thảo quốc gia hay quốc tế. Chúng ta có thể viết thư hỏi ý những chuyên gia quốc tế qua địa chỉ email của họ trong các công trình được công bố. Nếu đi sai đường, hãy thử áp dụng cách thức của các đối thủ. Trong khoa học, không có kẻ thù, tất cả đều là bạn hữu, đồng nghiệp và đối thủ. Sau vài lần cố gắng cật lực, qua nhiều đêm không ngủ, thường chúng ta sẽ đạt được những gì mình muốn.
Hơn 20 năm học tập và làm việc trên đất Mỹ, BS Thạch vẫn giữ lối trò chuyện và ngôn từ giàu hình ảnh, đậm chất dân dã Việt . Nhưng ông cũng đồng thời là tác giả những cuốn sách y khoa về tim mạch bằng tiếng Anh được coi là best seller tại Mỹ. Cuốn "Xử trí các vấn đề tim mạch học phức tạp thông qua y học thực chứng" xuất bản từ năm 2001 đã được tái bản 3 lần và đồng thời nằm trong số 100 cuốn sách tim mạch bán chạy đầu bảng trong số khoảng 1.500 đầu sách về tim mạch ở Mỹ. Cuốn "Tim mạch học can thiệp" cũng được liệt vào hàng 10 cuốn sách bán chạy nhất kể từ khi nó được xuất bản. Người ta tìm mua những cuốn sách này vì nội dung, ý tưởng và cách đột phá trong trình bày của tác giả. Nam
* Trước khi thành công, các thầy thuốc tim mạch cần gì?
- Tôi đã thành công khi tìm được sự hài hòa và lâu dài với các đồng nghiệp ở châu Á, bởi chúng tôi đều làm việc dựa trên các tiêu chuẩn đạo đức của Khổng giáo, những phẩm chất cơ bản ở mỗi người: Nhân - Nghĩa - Lễ - Trí - Tín. Trước khi nghĩ đến thành công, các thầy thuốc tim mạch trên thế giới cần thành nhân đã. Còn sau khi thành công, sự cân bằng giữa áp lực công việc và thời gian chăm sóc gia đình chính là chìa khóa của hạnh phúc của mỗi người.
Ngôi nhà của BS Nguyễn Ngọc Thạch nằm giữa một khu đất rừng rộng hơn 70 mẫu, cách Bệnh viện St. Mary, nơi ông làm việc 40 phút đồng hồ chạy ôtô. Bác sĩ Thạch thích nghe nhạc cổ điển, sưu tập đồ cổ, và đi dạo trong rừng, tập thể dục, giải mã những bí mật của lịch sử (nhất là lịch sử Việt )... Không hỏi vì sao, tôi cũng đã đoán được lý do ông chọn căn nhà yên tĩnh ở giữa rừng, dù mỗi ngày đều phải thức dậy sớm và về nhà muộn hơn để lái xe tới nơi làm việc. Dung hòa cường độ làm việc căng thẳng, ông đã có một cuộc sống thanh bình gần gũi với thiên nhiên.Nam
Lúc tạm biệt, tôi xin ông một sợi dây đeo vào mình bức tranh mua làm kỷ niệm về đất nước Mỹ. Ông tự tay làm cho tôi một chiếc quai đeo sau lưng, và nói nhỏ: "Đáng lẽ là bạn phải tự làm trước, nếu không biết thì mình mới giúp". Tôi hiểu ý ông, rằng trên con đường mỗi người đi, họ trước hết đều phải rất tự cố gắng, tự định hướng cho mình, biết tự đặt câu hỏi cho mình, tìm thấy sự giúp đỡ của người khác, ắt sẽ tự tìm ra được câu trả lời.
Bốn bí quyết để có những ý tưởng hay hơn người khác
Sau một thời gian chỉ giảng dạy về kỹ thuật can thiệp tim mạch cho các đồng nghiệp Trung Quốc, tôi thay đổi cách nghĩ: Dạy họ cách giải quyết vấn đề bằng cách đặt câu hỏi đúng. Đó là phương pháp cơ bản trong giáo dục ở Mỹ. Khi một sinh viên đặt ra một câu hỏi đúng, họ sẽ có câu trả lời xác đáng. Qua đó, người sinh viên có thể giải quyết vấn đế mà không cần sự hỗ trợ của người thầy. Điều này rất quan trọng trong cuộc sống của họ. Vì khi đi làm, không có người thầy nào bên cạnh để chỉ cho mà họ phải tự giải quyết vấn đề lấy!
Thứ  hai, hãy cố gắng tìm ra sự thật một cách thực tế và trực tiếp; nói thẳng, nhìn thẳng và tiếp cận trực tiếp vào ngay trọng tâm vấn đề với tất cả sự say mê. Cuối cùng, khi rà soát lại những nghiên cứu, bài báo sắp được in, bạn phải tự hỏi: Đây có phải là giải pháp tốt nhất chưa? Có thể làm được tốt hơn không?
Thứ  ba, khoa học, nghệ thuật, trong đó có âm nhạc, khi giao thoa với nhau sẽ tạo nên những tư tưởng mới. Bán cầu não trái là khu vực tư duy của khoa học, còn bán cầu não phải là mảnh đất của nghệ thuật. Sự kết nối được hai bán cầu não sẽ cho ra đời những tư tưởng mới. Sự phân bổ chức năng của hai bán cầu cũng cho lời giải thích vì sao khi làm việc suy nghĩ mệt mỏi, ta thư giãn và luân chuyển để bán cầu não phải hoạt động thì sẽ thấy rất thoải mái và nhanh chóng phục hồi lại sức nhạy bén và tốc độ làm việc.
Thứ  tư , là để não làm việc trong khi ngủ. Nếu bạn có câu hỏi, hãy đọc nó trước khi đi ngủ. Ngay trong lúc ngủ, hai bán cầu não vẫn tiếp tục làm việc và giải quyết vấn đề khi ta thức giấc.
PGS-TS Nguyễn Ngọc Thạch

(NGUỒN: quehuongonline.vn)

Monday, May 5, 2014

ĐỂ TRỞ THÀNH BÁC SĨ GIỎI

1. THƯƠNG YÊU BỆNH NHÂN
Mọi việc người bác sĩ làm phải mang lại lợi ích tốt nhất cho bệnh nhân. Những gì tốt nhất cho bệnh nhân thì cố gắng làm, những gì không tốt thì phải tránh. Hãy điều trị bệnh nhân bằng tinh thần phục vụ, giải quyết những lo lắng của bệnh nhân, xem họ đau đớn như mình đau đớn, làm được như vậy nhất định sẽ giỏi.

2. LUÔN SUY NGHĨ NHỮNG VẤN ĐỀ LÂM SÀNG: CHẨN ĐOÁN VÀ ĐIỀU TRỊ
Đưa ra câu hỏi, vấn đề và tìm cách giải quyết: hỏi các bác sĩ có kinh nghiệm, đọc sách. Từng ngày, từng ngày những vấn đề sẽ dần sáng tỏ. Hãy góp những điều nhỏ nhặt thành những điều vĩ đại, mưa dầm thấm lâu.


4. CẬP NHẬT Y VĂN
Cập nhật những nghiên cứu mới, những guideline của các hiệp hội y học để điều trị cho bệnh nhân tốt nhất. Vì phần lớn y văn và các hội nghị, workshop đều sử dung Anh Văn, nên người bác sĩ phải trau dồi Anh Ngữ hằng ngày để có thể cập nhật những tiến bộ mới nhất vào chẩn đoán và điều trị.