Thursday, July 16, 2015

CHA ĐẺ CỦA TRƯỜNG PHÁI Y HỌC THỰC CHỨNG GIÁO SƯ DAVID SACKETT (1934 – 2015)

Ông là một “tượng đài” của y học hiện đại, là cha đẻ của trường phái Y học thực chứng hay “Evidence based medicine” (EBM). Ông là một người khổng lồ trong những nhà khoa học khổng lồ.

Ông là người Mĩ, sinh ra và lớn lên ở Chicago, nhưng lại mang quốc tịch Canada. Ông là một người vượt qua số phận. Năm 12 tuổi ông bị polio và phải nằm liệt giường mấy tháng trời. Thời gian đó ông chỉ … đọc sách. Ông xuất thân từ một gia đình lao động, nhưng vì học giỏi, nên thi vào trường y thuộc ĐH Illinois, vì trường đó là nơi duy nhất lấy học phí thấp, vừa với túi tiền của gia đình. Sau khi tốt nghiệp y khoa (1959), ông nhập ngũ, và trong thời gian tại ngũ ông học dịch tễ học. Khác với người khác, ông vừa học nhưng vừa suy nghĩ cách ứng dụng vào lâm sàng. Lúc đó ông đã manh nha thuật ngữ “Clinical Epidemiology”, nhưng ông lại dùng chữ “Critical Appraisal”.

Ông rất ghét ai nói "Theo kinh nghiệm của tôi", "Tôi đã làm như thế này lâu rồi", vì ông nghĩ đó là cách nói phi khoa học. Ông đòi hỏi phải có chứng cứ trong bất cứ quyết định y khoa nào, và chứng cứ phải đúc kết từ nghiên cứu khoa học. Ông nói bác sĩ mà không dựa vào chứng cứ thì chẳng khác gì ... lang băm. Do đó, trường phái y học thực chứng được ông định nghĩa là thực hành lâm sàng dựa vào chứng cứ khoa học cộng với kĩ năng chuyên môn và giá trị của bệnh nhân để đi đến quyết định tối ưu cho bệnh nhân.
Năm 1967, ông được Giáo sư huyền thoại John Evans "chiêu dụ" về ĐH McMaster, được ví von như là Harvard của Canada. Evans quả là người nhìn xa trông rộng, vì ông đã tuyển mộ được một người mà sau này cũng thành huyền thoại như ông. Ở tuổi 32, BS David Sackett sáng lập ra bộ môn dịch tễ học lâm sàng (Department of Clinical Epidemiology) tại ĐH McMaster, và soạn cuốn sách nổi tiếng “Clinical Epidemiology: A Basic Science For Clinical Medicine”, thường được mô tả như là kinh thánh của Y học thực chứng. Mãi đến 1990, thuật ngữ “Evidence based medicine” mới ra đời, và tác giả thuật ngữ này không ai khác hơn là Gordon Guyatt, một học trò của GS David Sackett.
Năm 1994, ông lại bị Đại học Oxford bên Anh chiêu dụ về làm giám đốc Trung tâm Y học thực chứng. Thật ra, việc bổ nhiệm GS Sackett ở Oxford là một việc làm gây nhiều tranh cãi, vì lúc đó Anh, vốn rất bảo thủ, chưa sẵn sàng chấp nhận Y học thực chứng. Dĩ nhiên, sau này thì chúng ta biết y giới bên Anh gần như hoàn toàn theo trường phái Y học thực chứng. Trong thời gian ở Oxford ông cùng với các nhân vật huyền thoại như Richard Peto đã quảng bá y học thực chứng ra khắp thế giới, và sự lan toả của trường phái này được xem là một cuộc cách mạng y khoa. Tập san danh tiếng British Medical Journal đánh giá tác động của y học thực chứng như là tác động của vaccine và thuốc kháng sinh, vì đã cứu hàng triệu người và tiết kiệm chi phí y tế hàng tỉ tỉ USD.
Sau 5 năm trong vai trò giám đốc Trung tâm Y học thực chứng ở Đại học Oxford, ông quay về Canada và sống ẩn dật bên hồ Ontario. Tuy nói là "ẩn dật" nhưng ông vẫn tích cực tổ chức những chương trình workshop nổi tiếng về nghiên cứu khoa học và y học thực chứng cho môn sinh. Chương trình này lan toả trên khắp Canada sau này.
Tôi có vài kỉ niệm với Gs Sackett khi còn ở ĐH Sydney. Ở ĐH Sydney, ông có 2 học trò rất nổi tiếng là GS L.I. và S.L. Ông là một nhân cách đặc biệt. Dù rất nổi tiếng, nhưng ông là người rất giản dị, rất dễ mến, nói năng cực kì thu hút, và hăng hái tranh luận bình đẳng với người đặt câu hỏi dù người đó chỉ đáng tuổi con cháu ông. Trong buổi họp, ông luôn ngồi ở hàng ghế đầu, vì ông nói rằng già rồi, ngồi phía sau diễn giả nói ông không nghe rõ, nên phải ngồi hàng ghế đầu. Khi đặt câu hỏi, ông không bao giờ tỏ ra là hàng "cây đa cây đề" mà vẫn xếp hàng để đến phiên mình. Có lần ông bị chủ toạ là GS L.I. (học trò ông) cắt ngang vì ông đặt câu hỏi ... quá giờ. Ấy thế mà ông vẫn vui vẻ, không hề tỏ ra bực tức, lại còn khen người chủ toạ điều hành tốt!
Ông là dạng người làm theo những gì ông giảng. Ông nói rằng y học ngày nay tiến triển nhanh quá, nên khó có thể cập nhật thông tin và kĩ năng lâm sàng. Ông đi đến một quyết định làm ngạc nhiên biết bao đồng nghiệp: Ở tuổi 49 và đang là một giáo sư y khoa, ông xin đi học lại nội trú, và tiêu ra 2 năm trời trong chương trình nội trú! Những người học nội trú cùng ông sau này cho biết ông là một thí sinh rất khó tính, vì cái gì ông cũng hỏi "chứng cứ đâu" làm điên đầu các giáo sư khác.
Cho đến những ngày cuối đời trên giường bệnh, ông vẫn hỏi bác sĩ điều trị là có chứng cứ gì trong phác đồ điều trị bệnh của ông không (ông bị ung thư túi mật). Khi được trả lời là không có, ông lầm bầm than phiền là một người tiêu ra cả đời vì y học thực chứng mà nay phải chết vì một bệnh thiếu chứng cứ!
Sau khi các đồng nghiệp khắp thế giới nghe tin ông bị ung thư, rất nhiều người đến phỏng vấn. Với sự trợ giúp của vợ và một đồng nghiệp thân tín, ông trả lời những câu hỏi về cuộc đời, sự nghiệp, và những bài học ông muốn để lại cho đời. Kết quả là một tập sách 104 trang được công bố trực tuyến trước mấy ngày ông tạ thế (1). Đó là một tập sách rất thú vị và rất có ích cho các bác sĩ khác noi gương và học hỏi về một nhà khoa học phi thường.
Trong sự nghiệp khoa học lâu dài của ông, ông công bố được khoảng 300 bài báo khoa học và 12 cuốn sách, cùng 50 chương sách. Có bài của ông được trích dẫn hơn 11 ngàn lần! Quả thật ông là một “giant” trong số những giant của y học
Nguồn: GS Nguyễn Văn Tuấn - Viện Garvan

No comments:

Post a Comment