Sunday, May 31, 2015

HỆ THỐNG ĐÀO TẠO Y KHOA VIỆT NAM

Trường Y chịu sự quản lý của 2 bộ là Bộ Giáo dục và Đào tạo, và Bộ Y tế cho nên chuyện bằng cấp cũng có những đặc thù.
1. Về phía bằng cấp do Bộ Y tế quản lý, sinh viên học 6 năm tốt nghiệp ra trường được gọi là Bác sĩ, nếu học thêm khoảng 1 năm một chuyên khoa nào đó thì được gọi là Bác sĩ chuyên khoa định hướng (CKĐH) và có thể bắt đầu hành nghề. Bác sĩ CKĐH có thể tiếp tục học thêm 2 năm nữa, thi tốt nghiệp thành Bác sĩ chuyên khoa cấp I (BSCK I). Bác sĩ CKI đi làm một thời gian có thể đi học tiếp 2 năm nữa, có trình luận văn để thành Bác sĩ chuyên khoa cấp II (BSCK II). Như vậy, CKĐH, BSCK I và BSCK II là hệ đào tạo thiên về "thực hành".


2. Về phía bằng cấp Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý, Bác sĩ sau khi ra trường đi làm đủ 2 năm kinh nghiệm có thể thi kỳ thi Cao học, trình luận văn để thành Thạc sĩ Y học. Thạc sĩ đi làm rồi, có thể thi tiếp kỳ thi tuyển Nghiên cứu sinh, học 3 năm (có thể hơn), trình luận án để tốt nghiệp thành Tiến sĩ Y học. Như vậy, Thạc sĩ và Tiến sĩ là hệ đào tạo thiên hướng về "nghiên cứu".
3. Ngoài ra, ngành Y còn một hệ đào tạo đặc thù là đào tạo Bác sĩ Nội trú bệnh viện. Bác sĩ mới ra trường phải trải qua một kỳ thi tuyển Nội trú, nếu đỗ sẽ tiếp tục học tiếp 3 năm liên tục trong môi trường bệnh viện, ra trường được gọi là Bác sĩ nội trú (chuyên ngành). Bác sĩ Nội trú có thể thi tiếp để học lên BSCK II hoặc học lên Tiến sĩ.
- Về mặt quy đổi một cách tương đối thì BS nội trú tương đương Thạc sĩ và tương đương BSCK I, còn BSCK II tương đương Tiến sĩ.
4. Tuy nhiên, các bác sĩ, dù đạt học vị gì đi nữa, muốn được hành nghề thì phải làm hồ sơ để xin Bộ Y tế cấp một giấy phép hành nghề gọi là Chứng chỉ hành nghề. Bác sĩ có chứng chỉ hành nghề chuyên ngành nào thì chỉ được hành nghề trong phạm vi của chuyên ngành đó.
5. Các bác sĩ đi làm khi đủ thâm niên có thể xin thi các kỳ thi do Bộ Nội vụ tổ chức là thi nâng ngạch lên Bác sĩ chính và Bác sĩ cao cấp (Nếu giảng viên thì là Giảng viên chính và Giảng viên cao cấp). Tuy nhiên hiện nay Bộ Nội vụ đã tạm thời dừng không tiếp tục tổ chức các kỳ thi này.
6. Các bác sĩ khi làm việc, khi đủ thâm niên và cống hiến có thể làm hồ sơ xin phong danh hiệu Thầy thuốc ưu tú và Thầy thuốc nhân dân (Nếu Giảng viên thì là Nhà giáo ưu tú và Nhà giáo nhân dân).
7. Các Tiến sĩ nếu cống hiến nhiều cho công việc giảng dạy và nghiên cứu khoa học có thể làm hồ sơ xin phong học hàm Phó giáo sư và sau đó là Giáo sư.
8. Các Phó giáo sư và Giáo sư thường sau khi nghỉ hưu, có thể được nâng lên ngạch Chuyên gia cao cấp.
9. Và nếu các bạn lao động tốt còn được phong các danh hiệu như: Lao động tiên tiến, Chiến sĩ thi đua (Cấp cơ sở, cấp Bộ, cấp Toàn quốc) và Anh hùng Lao động.
- Ngoài ra còn các hình thức khen thưởng như: Giấy khen của Giám đốc bệnh viện, Bằng khen của Bộ trưởng và Thủ tướng, Huân chương lao động Nhất, Nhì, Ba...
10. Như vậy, từ Bác sĩ đến Tiến sĩ được gọi là HỌC VỊ.
Phó giáo sư và Giáo sư được gọi là HỌC HÀM.
Thầy thuốc ưu tú và Thầy thuốc nhân dân được gọi là DANH HIỆU.
Bác sĩ chính, Bác sĩ cao cấp và Chuyên gia cao cấp được gọi là NGẠCH.
- VÍ DỤ: Nếu bạn nào thấy giới thiệu là GS. TS. BS. TTND. AHLĐ Nguyễn Văn A. thì có nghĩa là ông A. đã tốt nghiệp (học vị) Bác sĩ, sau đó đạt học vị Tiến sĩ, được phong học hàm Giáo sư, đạt danh hiệu Thầy thuốc nhân dân và đã được phong danh hiệu thi đua là Anh hùng lao động.

Nguồn: Thanh Nguyen (facebook)

No comments:

Post a Comment