Saturday, October 18, 2014

BÍ QUYẾT HỌC Y KHOA HAY LÀ QUÁ TRÌNH ĐỂ TRỞ THÀNH BÁC SĨ ĐA KHOA

Phần 1:


Sinh viên y khoa phải có kỹ năng làm việc nhóm tốt
Quá trình cặm cụi 12 năm đèn sách đã rất vất vả để đậu vào y khoa. Quá trình để trở thành bác sĩ còn vất vả hơn nhiều. Bởi vì không chỉ là nghiền ngẫm hàng tá sách vở mà bạn - người sinh viên y khoa còn phải thực tập ở môi trường bệnh viện với những thủ thuật, kỹ năng y khoa căn bản đến nâng cao theo trình tự và chuẩn mực, như: khám bệnh nhân, hỏi bệnh sử, đo huyết áp, tiêm chích, hay những kỹ năng đòi hỏi chính xác như chọc dò màng bụng, màng phổi, lấy khí máu động mạch, phụ mổ, đỡ đẻ... Những công việc trên không phải lúc nào sinh viên y khoa chúng ta cũng làm trong lúc tinh thần tỉnh táo nhất mà có thể là vào lúc nửa đêm, hay gần về bình minh khi mà giấc ngủ ngon nhất. Tôi xin chia sẻ kinh nghiệm bản thân để các bạn sinh viên mới vào trường y khỏi bỡ ngỡ và có kế hoạch học tập thật tốt cho riêng chính mình.Kinh nghiệm của tôi tất nhiên không phải là chuẩn mực bởi vì mỗi người có hoàn cảnh khác nhau, không ai giống ai.

Năm thứ nhất
Năm đầu tiên các bạn sinh viên y khoa sẽ được học các môn đại cương cũng như các ngành khác, tuy nhiên lịch học đã dày hơn các ngành khác rồi. Các môn các bạn cần chú ý là Giải phẫu học, Anh Văn (Tổng quát và chuyên ngành), thêm nữa là các hoạt động phong trào.
Giải phẫu học là nền móng để xây dựng tòa nhà y học
Giải phẫu học là môn học hình thái học đại thể (vi thể là môn mô học), là môn học mô tả, gọi tên các cơ quan trong cơ thể và sự liên hệ vị trí giữa các cơ quan khác. Đây là môn học căn bản và quan trọng, có thể nói giải phẫu học là nền móng để xây dựng tòa nhà y học. Giải phẫu học giúp nhân viên y tế có thể nói chuyện với nhau dễ dàng, nói đúng tên một vị trí giải phẫu rất quan trọng trong thực hành hằng ngày ở bệnh viện. Sách hay nhất, nổi tiếng nhất vì đọc dễ hiểu, xúc tích là hai cuốn bài giảng giải phẫu học của bộ môn Giải Phẫu ĐHYD TP.HCM mà tác giả chính là cố Giáo sư Nguyễn Quang Quyền, kèm theo và không thể thiếu là quyển Atlas Giải phẫu học Netter của thầy Quyền dịch http://ykhoabook.blogspot.com/2014/09/atlas-giai-phau-hoc-netter-tieng-viet.html hoặc xem trên ipad http://ykhoabook.blogspot.com/2014/12/atlas-netter-ipad-tuyet-ep-va-mien-phi.html. Ngoài ra, các bạn có thể xem thêm video phẫu tích xác của thầy trên Youtube.com, các bạn vào google gõ "video giải phẫu nguyễn quang quyền". Việc thực tập phẫu tích xác quan trọng hơn đọc sách và hình ảnh, một số trường không có điều kiện phẫu tích xác thì những buổi thực tập trên mô hình phải cố gắng học tập. 

Đọc được y văn tiếng Anh rất quan trọng
đối với sinh viên y khoa
Anh Văn là chìa khóa mở cánh cửa tri thức và y học cũng không ngoại lệ. Mục tiêu là các bạn phải giao tiếp giỏi bằng Anh Văn để có thể tham dự các buổi hội thảo, hội nghị với các chuyên gia y học hoặc có thể nghe được những đoạn video giảng dạy rất hay trên internet: từ cách khám, các thủ thuật, những bài giảng nội ngoại sản nhi... bằng tiếng Anh lúc nào cũng hay, chuẩn mực và chuyên nghiệp. Quan trọng hơn nữa là đọc được sách, tạp chí chuyên ngành Anh Văn. Y học là một trong những ngành học phát triển nhanh nhất, và tiếng Việt sẽ không đủ để bạn trở thành bác sĩ giỏi. Để đọc được Anh văn chuyên ngành trước tiên bạn phải có vốn từ vựng Anh Văn tổng quát phong phú, sau đó các bạn học thêm những thuật ngữ chuyên ngành: đó là phương pháp học phân tích từ theo tiếp đầu ngữ (prefixes), tiếp vĩ ngữ (suffixes) và gốc từ (root), bạn càng học được nhiều 3 cấu trúc này thì gặp một từ chuyên ngành bạn có thể đoán nghĩa nó dễ dàng và chính xác, ví dụ: 
Anatomy: ana- là phân tích, -tomy là cắt tiếng Hán là phẫu, diễn giải là môn học về phẫu tích xác.
Hemiplegia: hemi- là phân nửa, plegia là liệt, nghĩa là liệt nửa người.
Bicycle: bi là hai, cycle là vòng, ai cũng biết từ này là xe đạp.
Quyển sách khá hay các bạn có thể tìm đọc về tiếng anh trong chuyên ngành là: "Tiếng Anh trong Y khoa" của Hồ Liên Biện, ĐHYD TP.HCM, đã không tái bản nữa chỉ còn sách photo.

Ở năm thứ nhất, ngoài việc học thì hoạt động phong trào giúp bạn rất nhiều trong việc thực tập của các bạn sau này: giúp cải thiện kỹ năng giao tiếp (hoạt động quan trọng nhất của người bác sĩ là giao tiếp với bệnh nhân và thân nhân), có năng lực làm việc nhóm (hoạt động trong bệnh viện không phải chỉ có một mình bạn mà là tổ hợp của cả một mô hình hoạt động nhịp nhàng với nhau tôi sẽ đề cập trong phần sau khi bạn vào học năm 2, năm 3). Các phong trào bạn nên tham gia như: hiến máu nhân đạo, thăm các trại trẻ mồ côi, hoạt động từ thiện khác, và các hoạt động của lớp giúp các thành viên khắn khít hơn để cùng nhau vượt qua những ngày tháng thực tập vất vả nhưng cũng rất thú vị trong bệnh viện cũng như thực tập cộng đồng.

Đón đọc phần tiếp theo...

Bác sĩ Trần Hữu Hiền

No comments:

Post a Comment