Thursday, September 4, 2014

GIÁO SƯ CHU VĂN TƯỜNG - CÂY ĐẠI THỤ NHI KHOA VIỆT NAM

Trong “bộ tứ”: Nội, Ngoại, Sản, Nhi, nếu chuyên gia đầu ngành về Nội khoa là GS. Đặng Văn Chung, bậc thầy về Ngoại khoa không thể không nhắc đến GS. Tôn Thất Tùng, số một về Sản, người ta nhắc đến GS. Đinh Văn Thắng thì trong lĩnh vực Nhi khoa, không ai có thể quên công lao và tầm vóc của GS. Chu Văn Tường.
Ông ít nói về mình, nên xung quanh không có nhiều hào quang lẫy lừng, song cũng giống những bậc giáo sư đầu ngành khác, ông sẽ sống mãi với những “truyền thuyết” có thực.

Giáo sư Chu Văn Tường (đứng giữa) cùng đồng nghiệp


Cây đại thụ trong “tứ trụ”
Nhi khoa là một ngành khó trong Y học. Chữa trị cho trẻ nhỏ có đặc thù riêng mà không phải bao giờ các kiến thức y học dành cho người lớn cũng áp dụng được. Bệnh của trẻ nhiều, sức đề kháng yếu, dễ biến chứng nên rất dễ tử vong, chẩn đoán bệnh cũng khó vì trẻ chưa nói được, triệu chứng không điển hình...
Có lẽ vì thế mà phong cách khám bệnh của GS. Chu Văn Tường luôn rất tỷ mỷ và cực kỳ cẩn thận. Và ông nổi tiếng với khả năng chẩn đoán đầy chính xác với kết quả nhiều khi chưa một thầy thuốc nào nghĩ tới.
Một bà mẹ ở phố Hàng Bài, gần nhà GS. Chu Văn Tường vẫn xuýt xoa khi kể lại câu chuyện về hôm khám bệnh đặc biệt mà con bà là đối tựơng ngẫu nhiên. Một lần đến chơi, nói chuyện vui, bà chợt than phiền với GS. Tường rằng “con em làm sao mà ăn cứ rơi vãi lung tung...”. “Ông ấy chau mày nghĩ, khám một lúc rồi bảo tôi cái tin sét đánh: cháu nó bị u não đấy, bác dẫn đi mổ ngay đi”. Thời đó chưa có siêu âm, các phương tiện máy móc cũng rất ít nhưng khi bà mẹ dẫn con đi mổ, kết quả đúng là có u não.
Nhắc đến GS. Chu Văn Tường và khả năng thiên bẩm chẩn đoán bệnh, nhiều người nghĩ ngay đến một câu nổi tiếng ông hay lẩm nhẩm khi suy nghĩ về một ca bệnh khó: “Cái này có thể là cái gì đấy, chứ không phải cái gì đó”! Nhờ câu nói dích dắc đó, không ít bệnh nhân tưởng chết đã được lôi ngược về miền sống.
Thậm chí, đã có người đang được chuyển từ giường bệnh xuống khoa cơ thể học (mổ xác) đã sống lại nhờ sự tận tình cấp cứu của GS. Chu Văn Tường. Cách đây chưa lâu, một bệnh nhi bị viêm gan, thiếu máu, người gầy đét, đã được chẩn đoán ung thư gan.
Ông lên thăm 5-6 lần, rồi “phán”: Không! có thể chỉ bị tắc tĩnh mạch trên gan. Nghe nói thế, cả phòng bệnh râm ran, ánh mắt người mẹ và đứa trẻ chợt long lanh trước tia hy vọng vừa loé lên trong mắt họ sau bao ngày sống trong nỗi ám ảnh thần chết đang đứng trước mặt. Mổ, một tuần sau, bố mẹ đứa trẻ đã được bế con về - điều mà trước đó chưa lâu, họ hoàn toàn không dám mơ đó sẽ là sự thật.
Nhiều thầy thuốc ở Khoa Tiêu hoá, Bệnh viện Nhi Trung ương vẫn nhớ một đứa trẻ bị nhiễm trùng đường huyết rất sớm. Khi được đưa đến, bệnh đã nặng và đứa trẻ không qua khỏi. Tưởng đã rõ ràng nhưng bằng kinh nghiệm lâm sàng, GS. Chu Văn Tường khẳng định: “Tôi nghĩ trường hợp này bị mắc bệnh lao bẩm sinh”. Cử y tá xuống tận nhà bệnh nhân hỏi, kết quả đúng là gia đình đứa trẻ xấu số có tiền sử bệnh lao.
Ngay lập tức bà mẹ được khuyên đến bệnh viện Lao chữa trị. GS. Chu Tường đã không ít lần tìm ra những nguy cơ mà ngay chính bệnh nhân cũng chưa hề nghĩ đến như thế!
Song cũng đã một lần, khi vừa từ nhà lên bệnh viện, ông bị một người đàn bà lao đến, cấu xé, xúc xiểm vì đứa con của bà vừa trút hơi thở cuối cùng khi vừa tròn hai tuổi. Dù đã là Viện trưởng, với người khác, có thể bà mẹ kia sẽ gặp phải một phản ứng mãnh liệt nhưng ông chỉ nhẹ nhàng khuyên nhủ. “Y học nhiều khi không làm được tất cả. Khả năng của con người chỉ có giới hạn mà thôi”. Lúc đó ánh mắt ông rất buồn...
Có lẽ chẳng nỗi đau nào lớn hơn đối với một ngơời mẹ khi phải chứng kiến đứa con mình đứt ruột đẻ ra vẫn còn đỏ hỏn cứ khóc, lịm dần rồi lạnh hẳn. Sự quạnh quẽ thay thế hình ảnh đứa trẻ ngộ nghĩnh sẽ khiến cả gia đình rơi vào tâm trạng nặng nề. Tôi chợt giật mình khi biết, chưa chắc đã có GS. Chu Văn Tường đầu ngành về Nhi hiện nay nếu không có một sự kiện xảy ra.
Đó là thời điểm cách đây hơn 60 năm. Khi chuẩn bị học xong trường Bưởi, một lần về nhà, chàng trai Chu Văn Tuờng quê gốc Phú Xuyên, Hà Tây thấy mặt mẹ biến sắc và đứa em trai xanh xao, gầy xọp hẳn. Quê ông đồng chiêm trũng, mùa hè nước ngập mênh mông, vệ sinh lại kém nên trẻ rất hay bị tiêu chảy. Lần này đến lượt em trai ông thều thào trong trạng thái mất nước nặng. Đứa trẻ lại phải kiêng nhiều thứ theo quan niệm truyền thống nên chỉ biết nhìn anh trai khóc. Chỉ được hai hôm, em chết.
Đứng bất lực chứng kiến ánh sáng cuộc sống của em cứ dần lụi tắt, rồi nghe tiếng mẹ khóc nấc lên, Tuờng chạy ào ra cửa nhằm che đi những giọt nước mắt đàn ông nóng hổi cứ lăn dài trên má. Ánh mắt em trai và tiếng khóc người mẹ đã tác động mãnh liệt đến lựa chọn của Chu Văn Tường. Ngay từ lúc đó, vị giáo sư tương lai đã chọn ngành y để học đại học.
Sau khi vào công tác tại Bệnh viện Bạch Mai, ông là người tích cực bậc nhất đề xuất và lập ra chuyên khoa Nhi đầu tiên ở nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Và nghiên cứu lớn đầu tiên của ông là về bệnh tiêu chảy ở trẻ em. Nghiên cứu về rối loạn điện giải, rồi phác đồ điều trị, quan điểm chống lại tập tục bắt người bị tiêu chảy phải ăn kiêng của ông đã cứu được hàng vạn người.
Với các thế hệ học trò của ông, cuộc đời nghiên cứu của GS. Chu Văn Tường cứ diễn ra như một trình tự được định sẵn vì câu chuyện đau lòng của gia đình kia ông ít kể cho ai. Khi được nghe cái “tích” bí mật của vị giáo sư già, tôi mới hiểu thêm tại sao ông lại say mê ngành Nhi đến vậy và tại sao cái cách ông đối xử với bệnh nhân lại bao dung và (có thể trong thời đại ngày nay), lại “lạ đời” đến vậy.
“Mỗi thầy thuốc tốt nhất nên một lần là bệnh nhân”
Đó là câu nói của GS. Chu Văn Tường mà học trò của ông, PGS.TS. Trần Thanh Liêm (Viện trưởng Bệnh viện Nhi trung ương hiện nay) bảo luôn nhớ mãi trong lòng. Là người từng nhiều lần đạp xe đạp đón thầy vào viện cấp cứu cho các bệnh nhi nặng, hiểu tấm lòng của thầy, PGS. Liêm vẫn hay lấy câu nói đã có mấy chục năm tuổi của GS. Tường ra nói lại với các học trò mình.

Đến nay, tại gia đình, với 6 người con làm trong ngành y, GS. Chu Văn Tường vẫn hay nhắc lại câu nói đó. Ông bảo có thế mới hiểu được nỗi đau, nhu cầu của bệnh nhân để thông cảm. Và quan trọng nhất, điều mà nhiều bác sỹ thời nay rất nên biết, đó là nếu một lần làm bệnh nhân! Họ sẽ biết cảm giác khi phải nghe lời cáu gắt, hay thái độ khinh khỉnh của thầy thuốc khó chịu đến mức nào?

Có lẽ vì một thời rất khó khăn khi phải nuôi một lúc 8 người con ăn học nên GS. Chu Văn Tường hiểu rất rõ nỗi khổ của người nghèo khi phải vào viện. Vì vậy, ông không bao giờ tha thứ cho những thầy thuốc cố tình kê thuốc đắt không cần thiết để nhận hoa hồng hay chưa có nghi vấn đã bắt bệnh nhân đi làm một loạt xét nghiệm.
6 nguời con làm trong ngành y của ông đến nay vẫn giữ được nếp nhà: tuyệt đối không bao giờ nhận tiền của bệnh nhân, cho dù họ đến tận nhà để “thưa gửi”.
Tôi may mắn được dự một buổi họp mặt của các học trò của GS. Chu Văn Tường. Nhiều người nay tóc đã bạc chẳng kém thầy, một số đã rất thành danh và thành đạt. Hành động họ nhắc đến nhiều nhất là cử chỉ... rút tiền ra cho bệnh nhân của GS. Chu Văn Tường. Trước những đứa trẻ quá nghèo, dù ốm, bố mẹ chúng cũng không thể mua được những món mà chúng nằng nặc khóc đòi, ông không cầm được lòng.
Không ít lần, vị giáo sư khả kính đã về nhà nhanh nhảu với vợ: “Bà ơi, đưa cho tôi mấy cái bánh chưng” rồi đem vào cho mấy đứa trẻ gần tết vẫn phải nằm viện, mặt buồn thiu. Hành động tự nhiên đó có lẽ sẽ là ấn tượng đẹp không thể nào quên đối với những người mẹ nghèo đang lo đến héo hắt chăm con, hay rất có thể là cả những đứa trẻ, dù chúng vẫn mếu máo khi có một ông cụ mặc áo blue trắng tiến lại gần.
Rất dễ dãi với bệnh nhân nhưng trước các đồng nghiệp, GS. Chu Văn Tường luôn đặt ra những yêu cầu rất nghiêm túc.
Khi còn là Viện trưởng, ông vẫn thường xuyên “đi buồng”. Là một người nổi tiếng điềm đạm và rất ít nói to nhưng có lần, khi thấy một trường hợp bị uốn ván nặng, hỏi y tá cụ thể thế nào, định điều trị ra sao; không nắm được, ông đã rất giận dữ và cô y tá ngay lập tức được cho nghỉ một thời gian để kiểm điểm chuyên môn. Từ đó, các bác sỹ ở Viện nhi tự nhiên nắm rất chắc tình hình bệnh nhân ở buồng mình đảm trách.
Khi theo chân ông đến thăm bệnh viện, hàng loạt học trò lớn của GS. Chu Văn Tường như GS. Trần Quỵ (Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai), PGS. Trần Thanh Liêm, rồi PGS. Nguyễn Công Khanh... lần lượt ra dìu thầy.
Đặc biệt, khi thấy ông chậm rãi “nói lời từ biệt” vì cảm nhận sức khoẻ của mình đã yếu rồi, toàn thể Ban giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương lặng im xúc động, tôi chợt nghĩ, có lẽ, cuộc đời thầy thuốc đối với ông thế là đủ, viên mãn lắm rồi.
Đến nay, “tài sản” ông tích luỹ được có lẽ mãi mãi là ước mơ của rất nhiều thế hệ thầy thuốc chân chính. Đó không phải là thứ có thể mua được, trao tay, mà là những lời nể trọng cả về chuyên môn và đức độ của một người thầy, một bác sỹ đã góp phần cứu sống, giúp hàng vạn đứa trẻ mạnh mẽ, tự tin bước vào đời…
Trong suốt thời gian lãnh đạo Viện nhi, GS. Chu Văn Tường đã hướng dẫn hàng trăm tiến sỹ, thạc sỹ, góp phần rất lớn trong việc phát triển ngành Nhi ở Việt Nam .
Đến nay, ở tuổi 84, ông để lại một gia tài khá đồ sộ gồm hàng chục cuốn sách, công trình nghiên cứu. Rất nhiều trong số đó vẫn đang là những “tài liệu gối đầu giường” của các bác sỹ Nhi khoa, như Bách Khoa thư bệnh học, Chữa bệnh trẻ em, Cấp cứu Nhi khoa, Từ điển Nhi khoa Pháp, Anh, Việt… Những nghiên cứu về ung thư, về tai nạn thương tích ở trẻ em đã được GS. Tường xúc tiến từ cách đây cả thập kỷ.
Những định hướng đó luôn tỏ ra có tầm nhìn chiến lược và đã mang lại tác dụng ngay trên thực tế, góp phần giảm nhẹ những nguy cơ và tăng khả năng được cứu sống của hàng vạn bệnh nhi.
Thăng Hùng

No comments:

Post a Comment